Bảo hiểm hàng không
1. Bảo hiểm thân máy bay

Bảo hiểm thân máy bay áp dụng đối với các loại máy bay của các hãng hàng không dân dụng sử dụng với mục đích vận chuyển hàng hoá, hành khách hoặc bay dịch vụ. Đối tượng bảo hiểm của loại bảo hiểm này bao gồm thân máy bay, máy móc, trang thiết bị trên máy bay và phụ tùng, trang thiết bị dự phòng trên máy bay hoặc ở trong kho tại các sân bay. Người mua bảo hiểm có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm một hoặc kết hợp một số điều kiện bảo hiểm sau:

– Bảo hiểm mọi rủi ro thân máy bay;

– Bảo hiểm tổn thất toàn bộ thân máy bay;

– Bảo hiểm rủi ro chiến tranh thân máy bay;

– Bảo hiểm thân máy bay dưới mức miễn thường;

– Bảo hiểm phụ tùng máy bay.

Bảo hiểm này đảm bảo cho mọi tổn thất mất mát hay hư hỏng đối với đối tượng bảo hiểm do bất kỳ nguyên nhân nào, không kể những rủi ro bị loại trừ. Phạm vi bảo hiểm sẽ bao gồm rủi ro do lỗi của phi công, nguyên nhân tự nhiên, hư hỏng trong quá trình bảo dưỡng, khi máy bay nằm trên mặt đất, lăn trên đường băng, cất hoặc hạ cánh,….

Đơn bảo hiểm này không bảo hiểm cho thiệt hại hậu quả mất thu nhập và loại trừ các trường hợp như: Rủi ro phóng xạ, hạt nhân; chiến tranh, khủng bố, bạo loạn, đình công,…; hư hỏng do hao mòn tự nhiên (Wear and Tear); sử dụng máy bay bất hợp pháp; sử dụng máy bay với những mục đích không được quy định trong đơn bảo hiểm; người lái máy bay là người khác không có tên trong đơn bảo hiểm; máy bay hoạt động ngoài địa giới quy định;…

2. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận tải hàng không

Đây là nghiệp vụ bảo hiểm nhằm bảo vệ cho người vận tải hàng không trước những rủi ro thuộc về trách nhiệm của họ đối với hành khách, hành lý, bưu kiện, hàng hoá và người thứ ba khác. Người ta chia lĩnh vực hàng không dân dụng thành hai loại: Hàng không nội địa và hàng không quốc tế. Trách nhiệm của người vận tải hàng không đối với các chuyến bay trong nước được điều chỉnh theo nguồn luật của từng quốc gia. Đối với các chuyến bay quốc tế, thông thường trách nhiệm của người vận tải hàng không (trừ Mỹ) được giới hạn và điều chỉnh theo công ước Vacsava 1929. Ngoài công ước này một số nước còn áp dụng công ước bổ sung công ước Vacsava 1955 và trong lĩnh vực vận tải đa phương thức, hàng không quốc tế áp dụng công ước UNTAD MMO 1980. Việc áp dụng công ước Vacsava 1929 hay công ước Vacsava bổ sung 1955 phụ thuộc nước có chuyến bay khởi hành hoặc chuyến bay đến phê chuẩn công ước nào. Để một trong hai công ước trên được áp dụng thì cả hai nước ở cả đầu đi và đến của chuyến bay phải phê chuẩn cùng một công ước. Trách nhiệm của người bảo hiểm hàng không, do đó, sẽ bị chi phối bởi việc chuyến bay áp dụng theo công ước nào.

Hiện nay, luật pháp của nhiều khu vực và nhiều nước phát triển không cho phép người vận tải hàng không được giới hạn trách nhiệm của mình đối với tính mạng, sức khỏe của hành khách. Như vậy đối với những nước này, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là bao nhiêu thì người vận tải hàng không phải bồi thường bấy nhiêu.

3. Bảo hiểm tai nạn nhân viên tổ bay

Người được bảo hiểm trong bảo hiểm tai nạn nhân viên tổ bay là nhân viên của các hãng hàng không dân dụng làm việc trên các máy bay bao gồm: phi công (lái chính, lái phụ); tiếp viên hàng không; nhân viên kỹ thuật và các đối tượng khác làm nhiệm vụ trên chuyến bay. Phạm vi bảo hiểm là các tai nạn xảy ra làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo hiểm khi lên, xuống máy bay và trong suốt quá trình bay. Phạm vi bảo hiểm được mở rộng đối với những tai nạn xảy ra cho các phi công khi huấn luyện buồng lái giả ở nước ngoài. Số tiền bảo hiểm thường quy định riêng cho từng loại đối tượng với mức cao thấp khác nhau.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *