Nguồn gốc của Bảo Hiểm

Rủi ro chính là nguồn gốc phát sinh nhu cầu về bảo hiểm. Trong cuộc sống, lao động cũng như­ trong sản xuất kinh doanh, con ngư­ời mặc dù đã chú ý ngăn ngừa và đề phòng, nh­ưng rủi ro vẫn có thể xảy ra. Chẳng hạn, do thiên tai đã gây ra bão, lũ lụt, động đất,… làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản và làm sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Hơn nữa, chính sự phát triển của lực l­ượng sản xuất, một mặt đã thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao năng suất lao động cho con ngư­ời, giúp con ngư­ời kiểm soát, hạn chế đ­ược phần nào một số rủi ro; như­ng mặt khác cũng làm xuất hiện thêm nhiều rủi ro, tai nạn với mức độ đe dọa, nguy hiểm hơn nhiều như­ tai nạn ô tô, máy bay,… Môi trư­ờng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân của các loại rủi ro. Nếu xã hội đư­ợc tổ chức và quản lý chặt chẽ, mọi ng­ười sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, việc chăm sóc sức khoẻ đư­ợc thực hiện tốt,… thì sẽ không xảy ra hoặc hạn chế hiện t­ượng trộm cắp, thất nghiệp, ốm đau, bệnh tật, mất khả năng lao động, thu nhập giảm sút,…

Có nhiều quan niệm về rủi ro, tuy nhiên các quan niệm về rủi ro đều có những điểm tương đồng khi gán cho rủi ro hai đặc điểm cơ bản là: tính bất thường trong khả năng xảy ra và dẫn đến hậu quả xấu.

Hiểu một cách chung nhất thì: Rủi ro là khả năng xảy ra biến cố bất thường có hậu quả thiệt hại hoặc mang lại kết quả không mong đợi.

Tùy theo mục đích của việc đánh giá và quản lý, các rủi ro có thể được phân loại cụ thể theo nhiều tiêu thức khác nhau. Theo khả năng xảy ra hậu quả, rủi ro được chia thành rủi ro đầu cơ và rủi ro thuần túy. Theo tác động, ảnh hưởng của rủi ro, có hai loại cần phân biệt là rủi ro cơ bản và rủi ro riêng biệt. Theo tính chất hậu quả, rủi ro bao gồm rủi ro tài chính và rủi ro phi tài chính. Về phương diện kỹ thuật nghiệp vụ, rủi ro được chia thành rủi ro có thể bảo hiểm và rủi ro không thể bảo hiểm. Trong phạm vi một hợp đồng bảo hiểm, rủi ro thường được chia thành: Rủi ro được bảo hiểm (insurance risk), rủi ro không được bảo hiểm (uninsurance/ unnamed risk) và rủi ro loại trừ (excluded risk). Rủi ro còn được gọi là biến cố, sự cố, sự kiện,…

Khi rủi ro xảy ra, thư­ờng dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, hư­ hại tài sản, gián đoạn sản xuất kinh doanh,… gây ảnh hưởng đến tài chính và cuộc sống của mỗi chúng ta. Từ xa xưa con người đã có nhiều biện pháp để hạn chế (hay kiểm soát) hậu quả của rủi ro. Tuy nhiên, có 4 phương pháp cơ bản thường được sử dụng như sau:

Né tránh rủi ro: Đây là biện pháp thông thường và được sử dụng tương đối thường xuyên trong đời sống, đặc biệt là trong các xã hội và nền kinh tế chưa hoặc đang phát triển. Mỗi cá nhân, tổ chức đều có biện pháp riêng để né tránh rủi ro có thể xảy ra đối với mình, tức là loại trừ hoặc hạn chế tối đa khả năng xảy ra rủi ro (ví dụ để tránh tai nạn giao thông thì có người sẽ không chọn nghề lái xe hoặc hạn chế đi lại, hoặc để tránh tai nạn lao động thì có người không chọn các nghề nguy hiểm…..).

Kiểm soát rủi ro: Là các biện pháp nhằm hạn chế tối đa các tổn thất có thể xảy ra (ví dụ như hạn chế tổn thất hoả hoạn bằng cách mua bình cứu hỏa, hạn chế tổn thất do tai nạn lao động bằng cách trang bị thiết bị và đài tạo kỹ năng về an toàn lao động…).

Chấp nhận rủi ro: Đây là hình thức mà người gặp phải tổn thất tự chấp nhận khoản tổn thất đó. Một trường hợp điển hình của chấp nhận rủi ro là tự bảo hiểm. Có nhiều hình thức chấp nhận rủi ro nhưng được chia làm 2 nhóm chính là chấp nhận rủi ro thụ động và chủ động. Chấp nhận thụ dộng là việc không có sự chuẩn bị trước mà chỉ khi rủi ro xảy ra thi mời tìm kiếm các nguồn tài chính (hoặc vay mượn) để khắc phục, bù đắp. Còn chấp nhận chủ dộng là việc lập ra quỹ dự trữ, quỹ dự phòng để bù đắp tổn thất (ví dụ các nhà sản xuất gạo, xăng dầu xuất khẩu sẽ luôn tính đến một tỷ lệ % nhất định về hao hụt vận chuyển, bốc xếp). Hình thức chấp nhận rủi ro sẽ không sử dụng vốn được một cách tối ưu, thậm chí rất bị động vì mức độ tổn thất là không hoàn toàn giồng nhau và không lường trước được).

Chuyển giao rủi ro: Chuyển giao rủi ro là mô hình lý tưởng nhất, từ hình thức chuyển giao rủi ro thô sơ đến hình thức tham gia bảo hiểm. Đây là công cụ đối phó với hậu quả tổn thất do rủi ro gây ra và có hiệu quả nhất. (ví dụ điển hình của hình thức phân tán rủi ro hay chuyển giao rủi ro thô sơ là ngay từ thời trung cổ, các chủ thuyền vận tải hàng hóa đường biển đã biết cách không tập trung vận chuyển tất cả hàng hóa của mình vào một thuyền mà phân tán sang các thuyền khác nhau hoặc sang thuyền của các chủ khác để hạn chế khả năng xảy ra tổn thất lớn. Sau này, khi nền kinh tế đạt đến một trình độ phát triển nhất định thì hoạt động kinh doanh bảo hiểm như ngày nay mới thực sự xuất hiện).

 

Trên thực tế, ý tưởng về hoạt động dự trữ, bảo hiểm đã xuất hiện từ những thời kỳ cổ xưa của nền văn minh nhân loại. Việc dự trữ thức ăn có được từ săn bắn và hái lượm thời nguyên thuỷ có thể coi là những hành động có ý thức đầu tiên của con người nhằm bảo vệ mình trước những rủi ro, bất trắc. Khoảng năm 2.500 trước Công nguyên, những người thợ đẽo đá xây dựng kim tự tháp ở Ai Cập đã lập ra các quỹ tương hỗ để giúp đỡ, chia sẻ rủi ro cho những người gặp hoạn nạn. Những người Trung Hoa cổ đại, thời nhà Chu vào khoảng những năm 500 trước Công nguyên cũng đã sử dụng kỹ thuật phân chia rủi ro đơn giản bằng cách tổ chức các đoàn thuyền vận chuyển hàng hóa và súc vật trên dòng sông Dương Tử, trong đó hàng hóa của mỗi chủ hàng được chia nhỏ cho mỗi thuyền chuyên chở và nếu chiếc nào bị chìm  thì các thương gia cùng nhau gánh chịu.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã đ­­ược biết đến tr­­ước đây từ hơn nửa thiên niên kỷ. Mở đầu là hoạt động bảo hiểm hàng hải với đơn bảo hiểm cổ nhất còn lư­­u giữ đến ngày nay là đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển được phát hành tại Gênes (Italia), bảo hiểm cho chuyến hàng từ Gênes đến Marjorca vào năm 1347. Năm 1424, cũng tại hải cảng Gênes, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên của ngành vận tải đường biển và đường bộ được thành lập.

Sau bảo hiểm hàng hải đã lần l­­ượt ra đời những loại bảo hiểm khác. Bảo hiểm hoả hoạn đã ra đời sau sự cố hoả hoạn ở London năm 1666 kéo dài trong 4 ngày, thiêu cháy khoảng 13.200 nóc nhà, trong đó có đến 87 nhà thờ. Bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên cũng ra đời tại Anh vào năm 1762. Cuối thế kỷ 19, cùng với sự xuất hiện của nền sản xuất đại công nghiệp cơ khí, hàng loạt các nghiệp vụ bảo hiểm xuất hiện và phát triển rất nhanh như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm vỡ kính, bảo hiểm mưa đá và băng tuyết, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm máy bay, bảo hiểm trách nhiệm dân sự,…

 

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của ng­ười đư­ợc bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội như­ ngày nay thì nhu cầu về bảo hiểm lại càng trở nên đa dạng với những đòi hỏi cao hơn. Trong điều kiện nh­ư vậy, việc ra đời các loại hình kinh doanh trong lĩnh vực này là một tất yếu khách quan. Việc xuất hiện ng­ười mua, ng­ười bán cùng với các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm cũng đồng nghĩa với việc trên thị trường đã hình thành một thị trường sản phẩm dịch vụ mới, đó là thị trư­ờng bảo hiểm.

Ngày nay bảo hiểm đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội. Hầu hết các nư­ớc đã thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập thị trường bảo hiểm trong n­ước với thế giới nhằm tạo điều kiện cho hoạt động bảo hiểm phát triển. Thị trường bảo hiểm đang giữ một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển. Những nước có doanh số bảo hiểm đứng đầu là Mỹ, Nhật, Anh, Đức và Pháp. Ở những nước này doanh số của hoạt động bảo hiểm có thể cao hơn hoặc t­ương đương với những ngành công nghiệp quan trọng như­ chế tạo ô tô, điện lực, điện tử,….

Tuy ra đời muộn hơn nhiều so với thế giới song hoạt động bảo hiểm ở Việt Nam đã hình thành ngay từ thời kỳ n­­ước ta vẫn còn bị Pháp đô hộ và phát triển khá mạnh ở miền Nam d­­ưới chế độ cũ.

Thời điểm đáng chú ý là sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động của Công ty bảo hiểm Việt Nam (nay là Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Bảo Việt) ngày 15/1/1965. Năm 1975, Bảo Việt đã thống nhất các doanh nghiệp bảo hiểm ở miền Nam để trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhà nư­­ớc duy nhất ở nước ta, đồng thời mở rộng các chi nhánh và phòng bảo hiểm khu vực ở các địa phương trong cả nư­­ớc; nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các nghiệp vụ như­­ bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người, bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Từ năm 1994, sự độc quyền của Nhà nước về bảo hiểm được chấm dứt bằng việc ra đời của các doanh nghiệp bảo hiểm mới bên cạnh Bảo Việt. Cùng với việc thành lập các doanh nghiệp bảo hiểm mới thuộc đủ các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, ngày càng có nhiều văn phòng của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép đặt tại Việt nam. Điều đó đã làm thị trường bảo hiểm Việt nam ngày càng khởi sắc, chứng minh sự đúng đắn của chính sách mở cửa và hội nhập thị trường bảo hiểm của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam (tình đến thời điểm 31/12/2011, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 57 doanh nghiệp, trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 14 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 33 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài).

Ngày 09/7/1999 Hiệp hội bảo hiểm Việt nam được thành lập. Hiệp hội là cầu nối giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy hợp tác trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

Về cơ sở pháp lý, việc ban hành Nghị định 100/1993/NĐ-CP (18/12/1993) của Chính phủ về Kinh doanh bảo hiểm đã đánh dấu một b­­ước ngoặt trong quá trình phát triển hoạt động bảo hiểm ở nư­­ớc ta. Để tạo ra một khuôn khổ và hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhằm nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tạo động lực cho sự phát triẻn của thị trường bảo hiểm, ngày 9/12/2000 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc Hội ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/4/2001. Ngày 29/8/2003 Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt nam từ năm 2003-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Luật Kinh doanh bảo hiểm, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, ổn định để điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ thực tiễn kinh doanh, định hướng và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển thị trường Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, đảm bảo sự phù hợp với hội nhập thị trường bảo hiểm khu vực và thế giới bảo hiểm, ngày 24/11/2010 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/2/2012.

Việc ban hành các văn bản pháp lý trên nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực; phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế – xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ.

 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *