Bảo hiểm cháy nổ

Đơn bảo hiểm cháy được cấp sau đơn bảo hiểm xây dựng- lắp đặt nhằm bảo hiểm cho các công trình dân dụng và công nghiệp và những tài sản bên trong các công trình đó trong quá trình khai thác, sử dụng.

  Ở Việt Nam, bảo hiểm cháy được triển khai từ cuối năm 1989 sau khi có quyết định số 06/TCQĐ ngày 17/01/1989 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy tắc và biểu phí bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt. Luật Kinh doanh bảo hiểm (có hiệu lực từ 01/4/2001) đã quy định bảo hiểm cháy, nổ được triển khai dưới hình thức bắt buộc. Hiện nay, đối với các tài sản của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo tinh thần Nghị định 130/2006/NĐ-CP (08/11/2006) quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Thông tư 220/2010/TT-BTC (30/12/2010) hướng dẫn bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (Thay Quyết định số 28/2007/QĐ-BTC ngày 24/04/2007 về việc ban hành qui tắc và biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc); những trường hợp không thuộc đối tượng bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm cháy được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dưới dạng “Đơn tiêu chuẩn về bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt” hoặc “Quy tắc bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt”.

1. Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt

Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt bảo hiểm cho các đối tượng là bất động sản, động sản (trừ  phương tiện giao thông, vật nuôi, cây trồng và tài sản đang trong quá trình xây dựng, lắp đặt thuộc loại hình bảo hiểm khác) thuộc quyền sở hữu và quản lý hợp pháp của các đơn vị, các tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, đối tượng bảo hiểm bao gồm:

– Công trình xây dựng, vật kiến trúc đã đư­­­a vào sử dụng (trừ đất đai);

– Máy móc thiết bị, phương tiện lao động phục vụ sản xuất kinh doanh;

– Sản phẩm vật tư­­­, hàng hoá dự trữ trong kho;

– Nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm trên dây truyền sản xuất;

– Các loại tài sản khác như­:­ kho, bãi, chợ, cửa hàng, khách sạn,…

Các đơn bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt đều có sự phân biệt giữa những rủi ro cơ bản, rủi ro phụ và những trường hợp loại trừ.

– Rủi ro cơ bản

  Rủi ro cơ bản là những rủi ro luôn được bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm tối thiểu phải tham gia những rủi ro cơ bản, ngoài ra, có thể tham gia thêm các rủi ro phụ (rủi ro đặc biệt). Rủi ro cơ bản gồm: hỏa hoạn, sét và nổ nồi hơi và hơi đốt phục vụ sinh hoạt.

– Rủi ro phụ

  Rủi ro phụ còn được gọi là các rủi ro đặc biệt, mặc dù chúng chỉ là những rủi ro bổ sung hay những hiểm họa thêm vào đơn bảo hiểm cháy. Các rủi ro phụ không được bảo hiểm riêng mà chỉ có thể được bảo hiểm cùng với những rủi ro cơ bản (Hoả hoạn, sét, nổ nồi hơi và hơi đốt phục vụ sinh hoạt). Mỗi rủi ro phụ cũng không được bảo hiểm một cách tự động mà chỉ được bảo hiểm khi khách hàng yêu cầu với điều kiện đóng thêm phí và phải được ghi rõ trong giấy yêu cầu và giấy chứng nhận bảo hiểm. Rủi ro phụ gồm: nổ, máy bay rơi, gây rối, đình công, bãi công, sa thải, giông bão, lụt, vỡ hay tràn nước từ các bể chứa nước, thiết bị chứa nước hoặc đường ống dẫn nước,…

Gắn liền với thiệt hại về tài sản, thường phát sinh thêm thiệt hại về kinh doanh và chi phí mà người được bảo hiểm phải gánh chịu trước, trong hoặc sau khi có tổn thất xảy ra. Bên cạnh đó, có một số trường hợp tuy đã loại trừ trong đơn bảo hiểm tiêu chuẩn, song vẫn là rủi ro có thể bảo hiểm được. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người bảo hiểm mở rộng phạm vi bảo hiểm bằng cách đưa ra một số điều khoản bảo hiểm bổ sung (ngoài các rủi ro phụ) để người tham gia bảo hiểm lựa chọn, chấp thuận tham gia và nộp thêm phí bảo hiểm. Có thể chia những điều khoản bảo hiểm bổ sung thành các nhóm:

  + Nhóm điều khoản đảm bảo cho các chi phí phát sinh: Chi phí dọn dẹp hiện trường, chi phí cứu hoả ở tại hoặc gần nơi chứa tài sản được bảo hiểm,…

  + Nhóm điều khoản đảm bảo cho một số rủi ro loại trừ: Điều khoản bảo hiểm tất cả các tài sản khác, bảo hiểm tự bốc cháy, bảo hiểm thiệt hại do nước rò rỉ từ hệ thống chữa cháy tự động, bảo hiểm trộm cướp,….

  + Nhóm điều khoản đảm bảo cho sự trượt giá và khôi phục số tiền bảo hiểm: Điều khoản về trượt giá, điều khoản về việc khôi phục số tiền bảo hiểm, điều khoản về bảo hiểm theo giá trị khôi phục,…

+ Nhóm điều khoản đảm bảo thay đổi vị trí tài sản: Điều khoản di chuyển nội bộ, điều khoản về tài sản ở ngoài địa điểm bảo hiểm, điều khoản về địa điểm khác, điều khoản về di chuyển tạm thời, điều khoản về vận chuyển,….

  + Nhóm điều khoản đảm bảo những thiệt hại mang tính hậu quả: Bao gồm thiệt hại về sử dụng nhà ở, trụ sở, văn phòng, công xư­ởng,… (do tổn thất phải đi thuê nơi mới có giá trị sử dụng tương đư­ơng nơi cũ đến khi khắc phục xong hậu quả của tổn thất), thiệt hại về kinh doanh nhà ở do không thu được tiền cho thuê, thiệt hại về kinh doanh tài sản trong thời gian sửa chữa tài sản bị tổn thất,….

  + Nhóm điều khoản đảm bảo mở rộng khác: Điều khoản về việc chuyển đổi tiền tệ một cách tự động, điều khoản về từ bỏ quyền truy đòi bồi thường, điều khoản đồng bảo hiểm 80%,….

– Những loại trừ áp dụng cho tất cả các rủi ro

  Đơn bảo hiểm tiêu chuẩn loại trừ những thiệt hại do hành động cố ý hoặc đồng lõa của người được bảo hiểm; gây rối, quần chúng nổi dậy, bãi công, sa thải công nhân; chiến tranh, xâm lư­ợc, hành động thù địch, hành động khiêu khích, quân sự hoặc hiếu chiến của nước ngoài (dù có tuyên chiến hay không), nội chiến; khủng bố; binh biến, dấy binh, bạo loạn, khởi nghĩa, cách mạng, bạo động, đảo chính, lực lượng quân sự, tiếm quyền, thiết quân luật, phong toả, giới nghiêm; vũ khí hạt nhân; phóng xạ, đoản mạch,….

2. Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Để triển khai nghiệp vụ bảo hiểm này dưới hình thức bắt buộc theo tinh thần Luật Kinh doanh bảo hiểm, ngày 08/11/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 28/2007/QĐ-BTC (24/04/2007) về việc ban hành qui tắc và biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 41/2007/TTLT – BTC – BCA (24/04/2007) hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP.

Các văn bản pháp lý trên đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến việc triển khai nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc ở Việt Nam như phạm vi điều chỉnh, đối tượng phải tham gia bảo hiểm, tài sản phải tham gia bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm, loại trừ bảo hiểm, phí bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ các bên liên quan, phương thức bồi thường, hồ sơ yêu cầu bồi thường, thời hạn yêu cầu và thanh toán bồi thường,…

Theo đó, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là tài sản của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc gồm: nhà, công trình kiến trúc và các trang thiết bị kèm theo; máy móc thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư, tài sản khác mà giá trị của nó tính được thành tiền.

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải mua bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó. nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định mua bảo hiểm cháy, nổ trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *