BẢO HIỂM HÀNG HOÁ VẬN CHUYỂN

Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển có đối tượng bảo hiểm chủ yếu là hàng hoá trong quá trình vận chuyển và được tách thành các nghiệp vụ là bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu và bảo hiểm hàng hoá vận chuyển nội địa. Tuy nhiên sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, vì bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu có thể bảo hiểm luôn cho hàng trong quá trình vận chuyển nội địa cho đến khi hàng đến kho của người nhận hàng.

1. Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu

Đối tượng bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm này là hàng hoá xuất nhập khẩu trong quá trình vận chuyển, trong đó, phổ biến nhất là hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Ban đầu, đối tượng bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển chỉ là hàng hoá được vận chuyển bằng tàu biển. Ngày nay, hợp đồng bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển được mở rộng để bảo hiểm cho cả những hàng hoá vận chuyển đa phương thức mà vận chuyển bằng đường biển là một trong những phương thức ấy.

Người đứng ra mua bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu có thể là người bán hoặc người mua, tùy thuộc vào điều kiện thương mại áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hoá. Hợp đồng mua bán hàng hoá xuất nhập khẩu có thể áp dụng 1 trong số các điều kiện thương mại quốc tế.

Hàng hoá xuất nhập khẩu có thể được bảo hiểm theo những điều kiện bảo hiểm với phạm vi bảo hiểm rộng hẹp khác nhau. Các chủ hàng căn cứ vào đặc tính của hàng, phương tiện vận chuyển, nhu cầu an toàn,… của mình để lựa chọn loại điều kiện bảo hiểm thích hợp. Hiện nay, các điều kiện bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm đưa ra khá đa dạng, trong đó, được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới là các điều kiện bảo hiểm ICC 1982 (Institute Cargo Clauses 1982) do Hiệp hội bảo hiểm London soạn thảo. dựa trên các điều kiện bảo hiểm theo thong lệ quốc tế, các công ty bảo hiểm Việt nam cũng đưa ra các điều kiện bảo hiểm tương tự với nhiều mức độ, phạm vi bảo hiểm khác nhau.

2. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không

Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không áp dụng đối với những hàng hoá được vận chuyển bằng máy bay của các hãng hàng không dân dụng. Những hàng hoá là vũ khí, khí tài, lương thực, thực phẩm, đồ hộp,… vận chuyển bằng máy bay của quân đội hoặc các lực lượng vũ trang với mục đích chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc diễn tập quân sự không phải là đối tượng bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm này. Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không có thể áp dụng với cả hàng bưu chính và đồ đạc, hành lý ký gửi của hành khách.

3. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong nước

Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển nội địa áp dụng đối với đối tượng bảo hiểm là các loại hàng hoá vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường sông trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia. Bảo hiểm này cũng có thể mở rộng để bảo hiểm cho hàng hoá vận chuyển sang các nước lân cận hoặc vận chuyển hàng hoá quá cảnh. Nội dung của nghiệp vụ bảo hiểm này có nhiều nét tương đồng với bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển, sự khác biệt chủ yếu giữa các nghiệp vụ bảo hiểm này thể hiện ở những rủi ro được bảo hiểm, rủi ro loại trừ và nguồn luật điều chỉnh. Hàng hóa vận chuyển trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam được bảo hiểm theo Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam.

Bảo hiểm này chịu trách nhiệm đối với những mất mát, h­ư hỏng xảy ra cho hàng hoá được bảo hiểm do hậu quả trực tiếp của một trong các nguyên nhân như: Cháy hoặc nổ; động đất, bão lụt, gió lốc, sóng thần và sét đánh; phương tiện vận chuyển bị đắm, bị lật đổ, bị rơi, bị mắc cạn, đâm va nhau hoặc đâm va vào các vật thể khác hoặc bị trật bánh; cây gãy đổ, cầu cống, đ­ường hầm và các công trình kiến trúc khác bị sập đổ; phương tiện chở hàng bị mất tích; tổn thất chung;….

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *