BẢO HIỂM TÀI SẢN VÀ BẢO HIỂM THIỆT HẠI
1. Bảo hiểm xây dựng và bảo hiểm lắp đặt

Hai nghiệp vụ bảo hiểm chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng-lắp đặt là bảo hiểm mọi rủi ro công trình xây dựng (CAR- contractor’s all risks) và bảo hiểm mọi rủi ro trong lắp đặt (EAR- erection all risks). Xây dựng và lắp đặt là hai công việc thường đi kèm với nhau, do đó đơn bảo hiểm có thể được cấp chung cho cả việc xây dựng và việc lắp đặt. Trên thực tế, nếu khối lượng công việc xây dựng của công trình chiếm tỷ trọng lớn hơn lắp đặt, người bảo hiểm sẽ cấp đơn bảo hiểm xây dựng và ngược lại. Các đơn bảo hiểm xây dựng-lắp đặt thường được chia thành 2 phần: Phần I- Tổn thất vật chất, bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm là tài sản được bảo hiểm; Phần II- Trách nhiệm đối với người thứ ba, bảo hiểm những trách nhiệm pháp lý phát sinh đối với người thứ ba trong quá trình thi công xây lắp.

– Bảo hiểm xây dựng (Phần I: Tổn thất vật chất)

Bảo hiểm xây dựng có đối tượng bảo hiểm là bản thân các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp (tính theo từng hạng mục); máy móc trang thiết bị thi công và phục vụ thi công trên công trường; tài sản có sẵn ở trên hoặc xung quanh công trình,… Người được bảo hiểm trong bảo hiểm xây dựng có thể bao gồm: Chủ đầu tư; nhà thầu chính, phụ; các đơn vị tư vấn thiết kế,…

Đối với bảo hiểm này, người bảo hiểm đảm bảo trong suốt quá trình thi công xây dựng cho đến khi công trình được hoàn thành đúng hoặc trước tiến độ để bàn giao đưa vào sử dụng. Bảo hiểm xây dựng có thể mở rộng để bảo hiểm cho cả thời gian bảo hành (không quá 12 tháng).

Bảo hiểm xây dựng đảm bảo cho các rủi ro thiên tai: lũ lụt, mư­a bão, đất đá sụt lở, sét đánh, động đất, núi lửa, sóng thần,… và các tai nạn: cháy nổ, đâm va, trộm cắp, sơ suất lỗi lầm của người làm thuê cho người được bảo hiểm,… Ngoài ra, bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tham gia thêm các rủi ro riêng như: Thiết kế chế tạo,… và các điều khoản bổ sung.

– Bảo hiểm lắp đặt (Phần I: Tổn thất vật chất)

Đối tượng bảo hiểm trong bảo hiểm lắp đặt là các máy móc, thiết bị; dây truyền sản xuất trong suốt quá trình lắp đặt, chạy thử cho đến khi bàn giao đưa vào sử dụng; phần công việc xây dựng phục vụ hoặc cấu thành trong việc lắp đặt; máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công việc lắp đặt;…. Giống như bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm lắp đặt có thể mở rộng để bảo hiểm cho cả thời gian bảo hành (tối đa là12 tháng); bảo hiểm lắp đặt đảm bảo cho các rủi ro thiên tai: lũ lụt, mư­a bão, đất đá sụt lở, sét đánh, động đất, núi lửa, sóng thần,… và các tai nạn: cháy nổ, đâm va, trộm cắp, sơ suất lỗi lầm của người làm thuê cho người được bảo hiểm,…

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba trong xây dựng- lắp đặt (Phần II- Trách nhiệm đối với người thứ ba)

Trong quá trình thi công xây lắp, chủ thầu xây lắp có thể gặp những rủi ro dẫn đến những khiếu nại về thiệt hại tài sản hoặc thân thể của người thứ ba. Những thiệt hại có nguyên nhân trực tiếp từ những sự cố mà người chủ thầu phải có trách nhiệm có thể phát sinh trong những trường hợp sau đây:

– Thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng con người do các rủi ro trong quá trình thi công xây lắp.

– Thiệt hại về tài sản, nhà cửa, các công trình xung quanh do việc đào và việc xử lý móng công trình.

– Thiệt hại về tài sản do sự cố kỹ thuật hoặc do những bất cẩn trong thi công xây lắp,…

Trách nhiệm của chủ thầu trong các trường hợp này có thể được bảo hiểm bằng một hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm riêng biệt nhưng thường được bảo hiểm trong cùng một hợp đồng bảo hiểm xây dựng- lắp đặt (ở Phần II). Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro trong xây lắp vừa bảo hiểm cho tài sản (công trình xây lắp) vừa bảo hiểm cho trách nhiệm của chủ thầu.

2. Bảo hiểm máy móc, thiết bị của chủ thầu

Trong xây dựng, lắp đặt chủ thầu cũng có thể tham gia bảo hiểm riêng cho máy móc thiết bị theo đơn bảo hiểm máy móc và thiết bị của chủ thầu. Sản phẩm bảo hiểm này có đối tượng bảo hiểm là các loại máy dùng trong quá trình xây lắp, bao gồm các loại máy móc có động cơ tự hành, ví dụ các loại máy san ủi đất, các loại cẩu,… – là các phương tiện vận chuyển chuyên sử dụng trên công trường, không được phép lưu thông trên công lộ. Bảo hiểm máy móc, thiết bị của chủ thầu bảo hiểm  đối với các tổn thất vật chất bất ngờ và không lường trước được từ bất kỳ nguyên nhân nào khác không bị loại trừ dẫn tới việc các hạng mục được bảo hiểm bị buộc phải thay thế hay sửa chữa.

3. Bảo hiểm máy móc, nồi hơi

Bảo hiểm này có đối tượng bảo hiểm là tất cả các loại máy móc, thiết bị, công cụ cơ khí,…, cụ thể: các thiết bị phát điện (nồi hơi, tuốc bin máy phát điện), nhà máy điện (máy biến thế, thiết bị cao thế, hạ thế), các máy móc sản xuất và thiết bị phụ trợ khác (dụng cụ cơ khí, máy làm giấy, máy bơm, đường ống dẫn, …).

 Về cơ bản, loại bảo hiểm này bồi thường cho những thiệt hại vật chất bất ngờ và không lường trước được xảy ra đối với các máy móc được bảo hiểm do những tác nhân trực tiếp gây ra từ bên trong máy móc như sai sót trong khi đúc, lỗi do thiết kế, sai sót tại xưởng hoặc trong khi lắp đặt, tay nghề kém, thiếu kinh nghiệm, bất cẩn, thiếu nước nồi hơi, nổ cơ học, xé rách do lực ly tâm, đoản mạch, bão, hay bất kỳ nguyên nhân nào không bị loại trừ trong quy tắc bảo hiểm dẫn tới việc các hạng mục đó buộc phải được thay thế hay sửa chữa.

4. Bảo hiểm thiết bị điện tử

Đơn bảo hiểm này bảo hiểm cho các loại máy móc thiết bị điện tử dùng trong các lĩnh vực như: phát thanh, truyền hình, viễn thông, y tế, tin học, điện ảnh, hàng hải, hàng không, khoa học kỹ thuật,… Đơn bảo hiểm thường được bảo hiểm kết hợp các phần sau:

– Phần 1-  Tổn thất vật chất đối với thiết bị: Những thiệt hại vật chất, đối với các thiết bị điện tử, thiết bị xử lý dữ liệu, thiết bị y tế,…, do những nguyên nhân bất ngờ không lường trước được.

– Phần 2- Phương tiện dữ liệu ngoại vi: Bất kỳ rủi ro có thể được bảo hiểm theo Phần 1 gây ra tổn thất cho dữ liệu ngoại vi; và bao gồm chi phí để tạo lập thông tin đã mất.

– Phần 3- Chi phí gia tăng: Chi phí gia tăng thêm được bỏ ra để thay thế các thiết bị hư hại do những rủi ro được bảo hiểm theo Phần I gây ra.

Bảo hiểm này có phạm vi bảo hiểm rất rộng, tất cả các tổn thất bất ngờ không lường trước được xảy ra đối với các thiết bị được bảo hiểm trong thời hạn bảo hiểm đều được bảo hiểm. Các rủi ro chính được bảo hiểm bao gồm: Cháy (bao gồm cả các tổn thất phát sinh từ các công việc chữa cháy và cứu hộ); sét đánh, nổ đâm va của máy bay; cháy xém, cháy âm ỉ phủ bụi bồ hóng; thiệt hại do điện (đoản mạch, quá điện áp,…); trộm cắp; cướp bóc, phá hoại ngầm, hành động cố ý; rò rỉ nước; lũ lụt, ngập nước; vận hành sai (bất cẩn, cẩu thả, thiếu kỹ năng,…);…

5. Bảo hiểm dầu khí

Bảo hiểm dầu khí là tên gọi chung dùng để chỉ các nghiệp vụ bảo hiểm liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến các sản phẩm dầu khí. Tài sản là đối tượng bảo hiểm trong loại bảo hiểm này bao gồm: Các dàn khoan, máy móc, trang thiết bị, hệ thống đường ống, phụ tùng, vật tư dự trữ, các phương tiện phục vụ cho công nghiệp khai thác, vận chuyển và chế biến các sản phẩm dầu khí,… Những tài sản kể trên có thể được bảo hiểm trong một đơn bảo hiểm năng lượng trọn gói.

6. Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản

Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản thường  được triển khai kết hợp bảo hiểm thiệt hại tài sản với bảo hiểm gián đoạn kinh doanh.

Đối tượng bảo hiểm là tài sản các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, khách sạn, dịch vụ, tài sản cá nhân; cụ thể là các tài sản vật chất hữu hình có khả năng bị tổn thất, thiệt hại, hủy hoại và có thể tính được bằng tiền, bao gồm: nhà cửa, máy móc, trang thiết bị, vật tư hàng hoá, nguyên vật liệu, kho hàng, trụ sở, văn phòng làm việc, nhà tư nhân,… Nói chung, đối tượng bảo hiểm là bất kỳ tài sản nào do người được bảo hiểm sử dụng tại địa điểm được bảo hiểm cho mục đích công việc của họ không bị đơn bảo hiểm loại trừ trong phần “các tài sản bị lọai trừ”.

Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản không nêu tên rủi ro được bảo hiểm. Các rủi ro không được bảo hiểm sẽ được nêu rõ trong phần “Các loại rủi ro bị lọai trừ”, bao gồm các loại rủi ro được bảo hiểm bởi loại hình bảo hiểm khác (ví dụ: rủi ro liên quan xe cộ, trộm cướp, xây dựng-lắp đặt, tiền,…), các rủi ro mang tính hiển nhiên không thể tránh khỏi (ví dụ: hao mòn tự nhiên do máy móc hoạt động, sét gỉ, thay dổi màu sắc,…). Các rủi ro được bảo hiểm, vì vậy, bao gồm (nhưng không bị giới hạn đối với): cháy & sét đánh, nổ, máy bay hoặc thiết bị bay rơi, bạo động, đình công, bế xưởng, hành động ác ý, động đất hoặc núi lửa phun, giông bão, lũ lụt, vỡ tràn nước từ bể, thiết bị chứa hoặc ống nước, xe cộ hoặc gia súc đâm va, đất trượt, rò rĩ nước từ hệ thống chữa cháy tự động, cháy do tự lên men, tỏa nhiệt, lửa cháy ngầm dưới đất, và các rủi ro thiệt hại vật chất bất ngờ không lường trước được xảy ra cho tài sản mà không bị đơn bảo hiểm lọai trừ. Một số rủi ro bị lọai trừ có thể được mở rộng bảo hiểm theo đề nghị của người được bảo hiểm.

7. Bảo hiểm tiền

Đối tượng bảo hiểm bao gồm tiền giấy và tất cả các phương tiện thanh toán có giá trị như­ tiền, thuộc quyền sở hữu hoặc trông coi của các tổ chức, cá nhân như­: tiền mặt, ngân phiếu, các loại tiền tệ, giấy tờ có giá, séc, phiếu chuyển tiền, các loại tem thư hiện hành, thẻ tín dụng, hóa đơn bán hàng, tem thu nhập, công trái, hối phiếu, giấy hẹn trả tiền, tem và phiếu miễn thuế hoặc các chứng từ đền bù hoặc các công cụ có thể đổi thành tiền được cất trữ tại kho, két hoặc trong quá trình vận chuyển.

Bảo hiểm này đảm bảo các tổn thất, mất mát hoặc thiệt hại xảy ra theo các tr­ường hợp sau đây:

– Tổn thất, mất mát của tiền trong quá trình vận chuyển;

– Tổn thất, mất mát của tiền khi lượng tiền đó được gửi qua đ­ường b­ưu điện (tiền mặt, trái phiếu, chứng khoán ngân hàng, séc, hoá đơn thanh toán,…);

– Tổn thất mất mát khi tiền đang được giữ bởi người được bảo hiểm hoặc người đại diện hợp pháp của người được bảo hiểm;

– Tổn thất, mất mát khi tiền được để trong cơ sở kinh doanh của người được bảo hiểm, hoặc trong nhà riêng của người được bảo hiểm;

– Tổn thất, mất mát đối với tiền lưu giữ trong két an toàn của ngân hàng, kho bạc;

– Tổn thất, mất mát của tiền để trong két của các cơ quan, tổ chức kinh tế – xã hội khác.

Trong bảo hiểm tiền cất giữ trong kho và bảo hiểm tiền trong quá trình vận chuyển, các loại trừ thay đổi tùy theo từng đơn bảo hiểm. Các tr­ường hợp loại trừ điển hình như: Mất mát không rõ lý do; do sự không trung thực của người làm công không được phát hiện trong một thời gian ngắn; tịch thu, quốc hữu hoá hoặc huỷ bỏ có chủ tâm bởi các cấp có thẩm quyền; thiếu tiền do sai sót hay chểnh mảng; tổn thất, huỷ hoại hoặc thiệt hại phát sinh bên ngoài lãnh thổ quốc gia; tổn thất có thể thu hồi lại được nhờ việc thực hiện công việc trung thực của người được bảo hiểm; tổn thất do két an toàn hoặc phòng an toàn bị mở bởi chìa khoá mà chủ cửa hàng bỏ quên trong khi đóng cửa; tổn thất do mất giá; tổn thất do phương tiện không được trông giữ; mất tiền xu hoặc các hiện vật có giá trị tương tự trong các máy hoạt động bằng tiền xu.

8. Bảo hiểm trộm cắp

Đối tượng bảo hiểm là tài sản để trong nhà hoặc phần ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân được bảo hiểm.

Theo nghiệp vụ bảo hiểm này, người bảo hiểm chịu trách nhiệm đối với:

– Tài sản để trong ngôi nhà hoặc phần ngôi nhà ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm bị mất mát hoặc hư hỏng do trộm cướp có kèm theo:

+ Hành động đột nhập hoặc thoát khỏi ngôi nhà bằng vũ lực hoặc các phương tiện cưỡng bức, hoặc;

+ Hành động tấn công, dùng vũ lực, hoặc đe doạ dùng vũ lực đối với người được bảo hiểm, người làm thuê hoặc người được giao quản lý tài sản;

– Ngôi nhà bị hư hại mà người được bảo hiểm phải chịu trách nhiệm do hậu quả của hành động trộm cướp.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *