BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Bảo hiểm nông nghiệp là loại bảo hiểm nhằm bù đắp những thiệt hại xảy ra với đối tượng bảo hiểm là những vật nuôi, cây trồng và sản phẩm nông nghiệp do rủi ro được bảo hiểm gây ra. Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm, bảo hiểm nông nghiệp được chia thành: Bảo hiểm cây trồng và bảo hiểm chăn nuôi.

1. Bảo hiểm cây trồng

Đối tượng bảo hiểm cây trồng là bản thân cây trồng trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển hoặc là sản phẩm do cây trồng đem lại tùy theo mục đích trồng trọt. Đối tượng bảo hiểm cây trồng, tùy vào từng trường hợp, có thể được chia ra:

– Đối với cây hàng năm: Đối tượng bảo hiểm là sản lượng thu hoạch.

– Đối với cây lâu năm: Đối tượng bảo hiểm là giá trị của các loại cây trồng đó hoặc sản lượng từng năm của mỗi loại cây.

– Đối với vườn ươm: Đối tượng bảo hiểm là giá trị cây giống trong suốt thời gian ươm giống đến khi nhổ đi trồng nơi khác.

Thời hạn bảo hiểm cây hàng năm thường được tính từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch xong sản phẩm; còn cây lâu năm, thời hạn bảo hiểm có thể kéo dài một năm sau đó tái tục qua các năm. Thời hạn bảo hiểm với vườn ươm tính từ khi gieo trồng đến khi cây đủ tuổi nhổ trồng nơi khác.

Người tham gia bảo hiểm có thể là các nông trường, chủ trang trại, người nông dân. Khi triển khai bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm thường tiến hành bảo hiểm một hay một số rủi ro nhất định. Những rủi ro được bảo hiểm gồm:

– Gió bão: Thường làm cho cây trồng bị đổ, bị gẫy, khả năng thụ phấn của hoa kém, làm mất toàn bộ giá trị hoặc sản lượng, năng suất thu hoạch bị giảm.

– Úng lụt, lũ: Thường làm cho cây bị chết hoặc chậm phát triển, đất đai bị rửa trôi giảm độ màu mỡ, gieo trồng không kịp thời vụ,…

– Hạn hán, gió lào: Thường làm cho cây bị khô héo, chậm phát triển, thậm chí bị chết.

– Sâu bệnh: Thường làm cho cây bị vàng lá, nấm mốc, từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm kém năng suất thấp,…

2. Bảo hiểm chăn nuôi

Đối tượng bảo hiểm là các sản phẩm chăn nuôi và các loại vật nuôi. Đối với vật nuôi là tài sản cố định thường được bảo hiểm đến từng con, còn đối với vật nuôi là tài sản lưu động có thể bảo hiểm cả đàn. Vật nuôi là tài sản lưu động là những vật nuôi được nuôi dưỡng trong thời gian ngắn, quá trình thu sản phẩm gắn liền với quá trình giết mổ hoặc chuyển chúng sang làm chức năng tài sản cố định. Thời hạn bảo hiểm của loại này là từ khi con giống tách mẹ nuôi độc lập đến khi vật nuôi xuất chuồng.

Vật nuôi là tài sản cố định thường có thời gian nuôi dưỡng lâu, giá trị lớn và được chuyển dịch dần vào sản phẩm thu được qua các năm. Thời hạn bảo hiểm loại này thường là một năm hoặc toàn bộ chu kỳ sản xuất. Nếu thời hạn bảo hiểm là toàn bộ chu kỳ sản xuất thì nó sẽ được bắt đầu khi vật nuôi được chuyển thành chức năng tài sản cố định đến khi kết thúc chu kỳ sản xuất (khi đã khấu hao xong).

  Trong chăn nuôi thường gặp rất nhiều rủi ro khác nhau gây tổn thất, có những rủi ro khách quan, có những rủi ro chủ quan như chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, thí nghiệm,… Tuy nhiên các rủi ro sau đây thông thường được bảo hiểm:

– Thiên tai, bão lụt, mưa đá, nóng, lạnh bất thường, khô cạn nguồn nước;

– Bệnh dịch, bao gồm cả bệnh truyền nhiễm, bệnh không truyền nhiễm;

– Buộc phải giết mổ để phòng trừ dịch bệnh lây lan; hoặc khi vật nuôi bị ốm, bị tai nạn, bị thương tật không còn tiếp tục nuôi dưỡng và sử dụng được;

– Các rủi ro khác như: động vật ăn thịt, hoặc phá hoại; đánh cắn lẫn nhau, tai nạn giao thông, hỏa hoạn,…

Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam

Để thúc đẩy hoạt động bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam, ngày 01/3/2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg “Về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013”, được áp dụng từ ngày 1/7/2011 đến hết năm 2013 và giao cho Bộ Tài chính thực hiện. Để thực hiện chủ trương trên, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện như: Thông tư 121/2011/TT-BTC (17/8/2011) hướng dẫn một số Điều của Quyết định 315/QĐ-TTg; Thông tư 47/2011/TT-BNN&PTNN (29/6/2011) hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg; Quyết định 2174/QĐ-BTC (09/9/2011) phê chuẩn doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; Quyết định 3035/QĐ-BTC (16/12/2011) ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp. Các văn bản trên đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai nghiệp vụ. Phần này chỉ đề cập đến những vấn đề cần chú ý liên quan đến chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được quy định trong các văn bản trên.

– Đối tượng bảo hiểm của chương trình thí điểm:

+ Cây lúa: Tại các tỉnh: Nam định, Thái bình, Nghệ an, Hà tĩnh, Bình thuận, An giang, Đồng tháp;

+ Trâu thịt, bò thịt, gia cầm thịt: Tại các tỉnh: Bắc ninh, Nghệ an, Vĩnh phúc, Hải phòng, Thanh hóa, Hà nội, Đồng nai, Bình định, Bình dương;

+ Nuôi trồng thủy sản, cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng: Tại các tỉnh: Bến tre, Sóc trăng, Bạc liêu, Cà mau.

Mỗi tỉnh, thành phố có thể triển khai thí điểm toàn bộ địa bàn hoặc tại một số huyện, xã tiêu biểu trên nguyên tắc lựa chọn sau: Các địa phương sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, mang tính đại trà trên địa bàn tỉnh, thành phố; đảm bảo cân đối giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh, thành phố để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thực hiện thí điểm, đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít.

– Phạm vi bảo hiểm của chương trình thí điểm:

Đối với thiên tai, rủi ro để được bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm phải là lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá và các rủi ro thiên tai khác. Với dịch bệnh phải là dịch cúm, dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng, bệnh thủy sản, dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, xoắn lá và các loại dịch bệnh khác.

– Phí bảo hiểm của chương trình thí điểm:

Nhà nước thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm. Mức hỗ trợ dựa trên tiêu chí phân hộ gia đình. Theo đó:

+ Hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm.

+ Hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm.

+ Hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm.

+ Các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm (Doanh nghiệp, Hợp tác xã,…).

Phương thức hỗ trợ phí bảo hiểm được thực hiện thông qua doanh nghiệp bảo hiểm. Trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm về các hợp đồng bảo hiểm đã ký và phí bảo hiểm đã thu của người nông dân, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương sẽ cấp phần kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *