BẢO HIỂM THIỆT HẠI KINH DOANH

Thiệt hại kinh doanh là những thiệt hại khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người được bảo hiểm bị đình trệ, cản trở hoặc bị ảnh hưởng do có tổn thất tài sản hoặc do nguyên nhân khác làm cho doanh nghiệp không thể tiếp tục kinh doanh hoặc kinh doanh không được như trước khi có sự cố. Nói cách khác, thiệt hại kinh doanh bao gồm những thiệt hại do gián đoạn kinh doanh.

Về phương diện tài chính, biểu hiện chủ yếu của gián đoạn kinh doanh là sự sụt giảm hoặc mất hẳn doanh thu, thậm trí phát sinh thêm các chi phí,… dẫn đến doanh nghiệp bị giảm sút hoặc không có lợi nhuận.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gián đoạn kinh doanh, song nguyên nhân chủ yếu chính là xảy ra tổn thất vật chất đối với tài sản mà doanh nghiệp sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, như: cháy cửa hàng, nhà xưởng; hư hỏng máy móc, thiết bị,…

Trong các hợp đồng bảo hiểm tài sản thông thường, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường những thiệt hại thực tế về tài sản đã bị tổn thất. Chẳng hạn, đơn bảo hiểm cháy nổ chỉ bồi thường những thiệt hại cơ bản cho tài sản bị tổn thất, chứ không bồi thường cho những thiệt hại do thu nhập của người được bảo hiểm bị mất trong thời gian mà cơ sở vật chất bị tổn thất, đồng thời cũng không bồi thường cho các chi phí mà doanh nghiệp bị mất trong quá trình này. Điều đó có nghĩa là sau khi nhận được đầy đủ tiền bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được bảo hiểm vẫn chưa thể quay trở lại tình trạng tài chính như trước khi tổn thất xảy ra. Để khắc phục điều này, doanh nghiệp cần phải tham gia bảo hiểm thiệt hại kinh doanh.

Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh (bảo hiểm gián đoạn kinh doanh hoặc bảo hiểm tổn thất hệ quả) là loại bảo hiểm nhằm đảm bảo cho những tổn thất có tính chất hậu quả của bên mua bảo hiểm mà chưa được bảo hiểm trong các đơn bảo hiểm thiệt hại vật chất.

Mục đích của bảo hiểm gián đoạn kinh doanh là nhằm khôi phục lại tình trạng tài chính của bên mua bảo hiểm như trước khi xảy ra tổn thất trong thời gian ngắn nhất có thể.

Các sản phẩm bảo hiểm gián đoạn kinh doanh rất đa dạng.  Mỗi sản phẩm bảo hiểm gián đoạn kinh doanh được bán cùng với loại bảo hiểm tài sản liên quan tương thích, như:

– Bảo hiểm xây dựng- lắp đặt và bảo hiểm mất thu nhập ước tính của chủ đầu tư;

– Bảo hiểm cháy và bảo hiểm gián đoạn kinh doanh sau cháy;

– Bảo hiểm máy móc và bảo hiểm tổn thất lợi nhuận hệ quả của đổ vỡ máy móc;

– Bảo hiểm thiết bị điện tử và bảo hiểm chi phí tăng thêm;

– Bảo hiểm thân máy bay và bảo hiểm tổn thất hệ quả;

– Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đi kèm bảo hiểm mọi rủi ro tài sản,…

Sở dĩ các bảo hiểm loại này được bán kèm là do loại bảo hiểm này bù đắp cho người được bảo hiểm một số loại thiệt hại hệ quả phát sinh từ những tổn thất được bảo hiểm của những đối tượng được bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm tài sản liên quan.

Mỗi sản phẩm bảo hiểm nói trên cũng có những điểm đặc thù riêng. Chẳng hạn, bảo hiểm mất thu nhập ước tính của chủ đầu tư, trong bảo hiểm này người được bảo hiểm không phải là những chủ thầu xây dựng thuần tuý mà là những chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu các công trình, những người sẽ sử dụng các công trình để hoạt động kinh doanh sinh lãi trong tương lai. Tại thời điểm thu xếp bảo hiểm mất thu nhập ước tính của chủ đầu tư, các phương tiện, tài sản và/hoặc cơ sở vật chất (các “công trình”) của họ chưa được đưa vào sử dụng mà vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, cải tiến hoặc lắp đặt trong khi việc mất thu nhập – tức là bảo hiểm tổn thất về lợi nhuận lại xảy ra trong tương lai khi các công trình đó đã được xây dựng hoặc lắp đặt hoàn thiện và đưa vào hoạt động để sinh lãi. Tại thời điểm thu xếp bảo hiểm này, các công trình nêu trên chưa hoạt động nên chưa thể có con số chính xác về lợi nhuận thu được từ việc sử dụng chúng, vì vậy mà chủ đầu tư chỉ có thể đưa ra con số ước tính về khoản lợi nhuận này. Con số này thường được phản ánh trong các luận chứng kinh tế kỹ thuật của công trình được đưa ra dựa trên những điều tra của chủ đầu tư về thị trường và các điều kiện kinh doanh.

Tùy vào từng trường hợp gắn với việc tham gia bảo hiểm thiệt hại vật chất cho tài sản và theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm mà đối tượng bảo hiểm của nghiệp vụ này trong mỗi trường hợp được xác định cụ thể. Tuy nhiên, những đối tượng của bảo hiểm gián đoạn kinh doanh bao gồm:

– Lợi nhuận trong sản suất kinh doanh của người được bảo hiểm;

– Các chi phí cố định bắt buộc;

– Các chi phí cố định phát sinh;

– Tiền lương;

– Chi phí chuẩn bị khiếu nại bồi thường;

…….

Trong số các sản phẩm bảo hiểm cho các đối tượng kể trên, bảo hiểm thiệt hại về lợi nhuận ròng và các chi phí cố định không được bù đắp khi doanh nghiệp bị đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh là sản phẩm phổ biến nhất.

Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh là loại bảo hiểm gắn liền với bảo hiểm thiệt hại vật chất (bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt, bảo hiểm mọi rủi ro tài sản,…) nên loại hình bảo hiểm này và bảo hiểm thiệt hại vật chất thường được thu xếp với cùng một công ty bảo hiểm. Bảo hiểm thiệt hại vật chất là tiền đề của bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Vì vậy khiếu nại đòi bồi thường theo đơn bảo hiểm gián đoạn kinh doanh chỉ được xem xét khi khiếu nại đòi bồi thường thuộc đơn bảo hiểm thiệt hại vật chất được chấp nhận.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *