Cơ sở xây dựng hệ thống quy định pháp luật về Bảo hiểm

Pháp luật là một công cụ quan trọng của tất cả các nhà nước thuộc mọi thể chế chính trị, được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và được thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.

Là hệ thống các quy tắc xử sự, mỗi hình thái kinh tế – xã hội gắn với một kiểu Nhà nước có một kiểu pháp luật tương ứng. Lịch sử xã hội loài người đã có các kiểu pháp luật chủ nô, pháp luật phong kiến, pháp luật tư sản và pháp luật xã hội chủ nghĩa. Pháp luật hoàn toàn không phải là sản phẩm thuần túy của lý tính hay bản tính tự nhiên phi giai cấp của con người như học thuyết pháp luật tự nhiên quan niệm. Pháp luật, như Mác – Ăng – ghen phân tích, chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp, có Nhà nước; bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp của Nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật cũng mang tính xã hội, bởi vì ở mức độ nhất định, nó phải thể hiện và bảo đảm những yêu cầu chung của xã hội về văn hóa, phúc lợi, môi trường sống…

Kinh doanh bảo hiểm là một bộ phận trong các hoạt động kinh tế xã hội và là hoạt động không thể thiếu trong xã hội hiện đại ngày nay. Cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác, kinh doanh bảo hiểm tất yếu phải chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật. Các quy định này được xây dựng trên cơ sở:

– Bảo vệ người tham gia bảo hiểm

Kinh doanh bảo hiểm là bán lời hứa. Trong khi đó, người tham gia bảo hiểm phải trả tiền mua trước (dưới hình thức phí bảo hiểm) để được hưởng dịch vụ sau. Chính vì vậy, việc đảm bảo người bán (tức doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH)) phải trả tiền và trả đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm khi họ gặp rủi ro là cần thiết. DNBH sau khi cầm tiền của người tham gia bảo hiểm không được trốn trả tiền, hoặc sử dụng tiền phí bảo hiểm thu được không đúng mục đích, làm thất thoát dẫn đến không đủ tiền để trả bồi thường cho khách hàng.

Bên cạnh đó sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm có tính phức tạp bao gồm nhiều điều khoản phức tap và ngôn ngữ mang tính chuyên môn. Do đó, trong trường hợp sảy ra tranh chấp, người tham gia bảo hiểm dễ rơi vào vị thế bất lợi khi đối đầu với DNBH được trang bị bởi một đôi ngũ cán bộ chuyên môn và luật sư hùng hậu và có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp về bảo hiểm.

– Bảo đảm sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh giữa các DNBH

Thị trường bảo hiểm với nhiều DNBH đang kinh doanh đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp đó, đảm bảo sự công bằng giữa các DNBH, giữa các loại hình DNBH (nhà nước, cổ phần, tư nhân), tránh xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như nói xấu để lôi kéo khách hàng, hay nói xấu để lôi kéo đại lý, cán bộ giữa các DNBH…

– Bảo đảm sự ổn định và phát triển cho cả ngành bảo hiểm nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung

Sự phát triển của mỗi DNBH phải đảm bảo tạo ra và nằm trong sự phát triển chung của cả thị trường bảo hiểm. Và với vai trò là “tấm lá chắn” của nền kinh tế, sự ổn định và phát triển của các DNBH, của thị trường bảo hiểm sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của cả nền kinh tế.

 

Hệ thống các nhóm luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm

(i) Hệ thống các nhóm luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Hiện nay hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở nước ta đang chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn luật khác nhau. Các luật này có thể được chia thành 3 nhóm:

Nhóm 1- Các luật nền (luật chung) như Bộ Luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Đây là những luật bao gồm các quy định được áp dụng chung cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Việc xây dựng các văn bản pháp luật áp dụng riêng cho lĩnh vực bảo hiểm phải được xây dựng trên cơ sở các luật nền này.

Nhóm 2- Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đây là luật được xây dựng để điều chỉnh riêng hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Dưới Luật kinh doanh bảo hiểm còn có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như các Nghị định, Thông tư, Quyết định…

Nhóm 3- Các luật liên quan như Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật đấu thầu, Luật cạnh tranh, Luật phòng cháy chữa cháy, Luật hàng hải…Đây là những Luật có những quy liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ví dụ Luật phòng cháy chữa cháy có quy định về bảo hiểm cháy nổ. Nhưng nội dung cụ thể của việc kinh doanh bảo hiểm cháy nổ nằm ở các văn bản luật trong lĩnh vực bảo hiểm.

 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *