Phân loại Bảo hiểm

 

Mỗi doanh nghiệp bảo hiểm thường thực hiện nhiều loại sản phẩm bảo hiểm khác nhau để hướng tới các đối tượng bảo hiểm và đối tượng khách hàng khác nhau.

Để thuận lợi cho việc quản lý giám sát và triển khai các sản phẩm bảo hiểm, cơ quan quản lý bảo hiểm và bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm thường chia các sản phẩm bảo hiểm thành nhiều nhóm khác nhau và được gọi là các nghiệp vụ bảo hiểm. Hiểu một cách đơn giản, nghiệp vụ bảo hiểm là tập hợp các sản phẩm bảo hiểm có cùng tính chất, đối tượng bảo hiểm.

1. Phân loại nghiệp vụ bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm

Có nhiều tiêu thức và cách thức để phân loại bảo hiểm. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia, việc phân loại bảo hiểm thường được luật hóa và quy định rất rõ ràng. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam (sửa đổi năm 2010), các nghiệp vụ bảo hiểm được chia thành: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và các nghiệp vụ bảo hiểm khác. cụ thể như sau:

Bảo hiểm nhân thọ, bao gồm:

– Bảo hiểm trọn đời;

– Bảo hiểm sinh kỳ;

– Bảo hiểm tử kỳ;

– Bảo hiểm hỗn hợp;

– Bảo hiểm trả tiền định kỳ;

– Bảo hiểm liên kết đầu tư;

– Bảo hiểm hưu trí.

Bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm:

– Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;

– Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không;

– Bảo hiểm hàng không;

– Bảo hiểm xe cơ giới;

– Bảo hiểm cháy, nổ;

– Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu;

– Bảo hiểm trách nhiệm;

– Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính;

– Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh;

– Bảo hiểm nông nghiệp.

Bảo hiểm sức khoẻ, bao gồm:

– Bảo hiểm tai nạn con người;

– Bảo hiểm y tế;

– Bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ.

Các nghiệp vụ bảo hiểm khác do Chính phủ quy định.

2. Phân loại nghiệp vụ bảo hiểm theo đối t­ượng bảo hiểm

Theo tiêu thức này, các nghiệp vụ bảo hiểm được chia thành 3 loại: bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm con người.

Bảo hiểm tài sản

Bảo hiểm tài sản bao gồm những nghiệp vụ bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là các tài sản và những lợi ích liên quan. Sau đây là những loại bảo hiểm tài sản phổ biến nhất:

– Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu; bảo hiểm hàng hoá vận chuyển trong nước;

– Bảo hiểm thân tàu biển; bảo hiểm thân tàu, thuyền khác;

– Bảo hiểm thân máy bay và bảo hiểm tổn thất hệ quả;

– Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới;

– Bảo hiểm công trình xây dựng, lắp đặt;

– Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt;

– Bảo hiểm máy móc thiết bị; bảo hiểm thiết bị điện tử;

– Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh;

– Bảo hiểm vật nuôi, cây trồng;

– Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu;

– Bảo hiểm tiền; bảo hiểm trộm cắp;

– Bảo hiểm công trình ngoài khơi, giàn khoan, đường ống,… trong thăm dò và khai thác dầu khí.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bao gồm những nghiệp vụ bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm phát sinh theo quy định về trách nhiệm dân sự của pháp luật. Phổ biến nhất là những nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự  sau:

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, thuyền khác;

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không; bảo hiểm trách nhiệm dân sự  của người khai thác máy bay;

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

– Bảo hiểm trách nhiệm của chủ sử dụng lao động;

– Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm;

– Bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba trong xây dựng, lắp đặt;

– Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động tư vấn đầu tư, xây dựng;

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ vật nuôi;

– Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số nghề nghiệp đặc biệt như: môi giới bảo hiểm; môi giới chứng khoán; tư vấn pháp luật; tư vấn tài chính, kiểm toán; nghề y,…

Bảo hiểm con người

Bảo hiểm con người bao gồm những nghiệp vụ bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là tính mạng, sức khoẻ, khả năng lao động và tuổi thọ con người. Bảo hiểm con người được chia thành bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe (bảo hiểm con người phi nhân thọ).

Phân loại theo đối tượng bảo hiểm được sử dụng rộng rãi và rất có ý nghĩa thực tiễn. Mỗi loại đối tượng bảo hiểm có những đặc tính riêng và vì thế những nguyên tắc, phương pháp và kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm đối với mỗi loại là không giống nhau.

3. Phân loại nghiệp vụ bảo hiểm theo kỹ thuật quản lý hợp đồng bảo hiểm

Kỹ thuật quản lý hợp đồng đề cập ở đây là kỹ thuật quản lý về mặt tài chính, hạch toán và quản lý các khoản phí thu của nghiệp vụ bảo hiểm nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm theo dự kiến. Hiện nay có 2 kỹ thuật quản lý hợp đồng mà các doanh nghiệp bảo hiểm có thể áp dụng là kỹ thuật phân chia và kỹ thuật tồn tích. Vì vậy, theo tiêu thức này các nghiệp vụ bảo hiểm được chia thành 2 loại:

Các nghiệp vụ bảo hiểm áp dụng kỹ thuật phân chia

Bao gồm những nghiệp vụ bảo hiểm có thời hạn của hợp đồng bảo hiểm ngắn (thông thường là nhỏ hơn hoặc bằng 1 năm). Về cơ bản, đó là các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Như vậy, thời hạn của các hợp đồng bảo hiểm có thể sẽ nằm gọn trong 1 năm tài chính hoặc kéo dài qua 2 năm tài chính liên tiếp của doanh nghiệp bảo hiểm. Phí bảo hiểm thường được nộp một lần toàn bộ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm hoặc được chia ra nộp trong 2-4 kỳ. Với loại bảo hiểm này, khả năng xảy ra rủi ro tương đối ổn định. Vì thế số phí phải thu, sau khi trừ đi chi phí ký kết hợp đồng, được phân chia đều theo thời hạn bảo hiểm. Dựa trên cơ sở này, kỹ thuật phân chia đòi hỏi việc xác định kết quả kinh doanh của từng năm tài chính vào thời điểm khoá sổ niên độ kế toán phải tính đến các dự phòng nghiệp vụ đặc trưng, đặc biệt là dự phòng phí và dự phòng bồi thường.

Các nghiệp vụ bảo hiểm áp dụng kỹ thuật tồn tích

Bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm có thời hạn của các hợp đồng bảo hiểm dài (trên 1 năm), chủ yếu là các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ. Trong thời hạn bảo hiểm, khả năng xảy ra rủi ro thay đổi rõ rệt, tăng dần giữa các năm tài chính. Phí bảo hiểm có thể nộp một lần toàn bộ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhưng thông thường, được nộp định kỳ theo mức phí bình quân. Lẽ ra mức phí nộp phải thay đổi, tăng dần theo sự biến động của rủi ro giữa các năm tài chính. Như vậy, trong những năm tài chính đầu, số phí bảo hiểm thu được của doanh nghiệp bảo hiểm lớn hơn số phí bảo hiểm tương thích với mức độ rủi ro và tình hình sẽ ngược lại ở thời kỳ cuối. Kỹ thuật tồn tích đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm phải tích luỹ số phí bảo hiểm thu trước cũng như lãi đầu tư luỹ kế qua nhiều năm tài chính nhằm đảm bảo khả năng thực hiện trách nhiệm trả tiền bảo hiểm, đạt được sự cân bằng tài chính cho cả thời hạn bảo hiểm.

4. Phân loại nghiệp vụ bảo hiểm theo hình thức bảo hiểm

Bảo hiểm tự nguyện

Bao gồm những nghiệp vụ bảo hiểm mà hợp đồng bảo hiểm được ký kết theo ý muốn của bên được bảo hiểm và hoàn toàn dựa trên nguyên tắc thoả thuận giữa hai bên (Bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm). Phần lớn các nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại bảo hiểm tự nguyện.

Bảo hiểm bắt buộc

Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.

Việc quy định bảo hiểm bắt buộc là cần thiết và mang tính tương đối giữa các quốc gia. Lý do cơ bản phải quy định các nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc liên quan tới chức năng bảo vệ trật tự xã hội của Nhà nước. Nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn chung, Nhà nước buộc phải sử dụng công cụ luật pháp để can thiệp vào việc bảo hiểm cho một số đối tượng.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam, bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách;

– Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật;

– Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

– Bảo hiểm cháy, nổ.

Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ, Chính phủ trình ủy ban thường vụ Quốc hội quy định loại bảo hiểm bắt buộc khác.

Bên cạnh các loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu trên, một số luật chuyên ngành khác cũng quy định các loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc, ví dụ như: Luật Hàng hải Việt nam (Chương XVI, Điều 23) quy định bắt buộc về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển đối với tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc hàng hoá nguy hiểm khác đối với ô nhiễm môi trường khi hoạt động tại vùng nước các cảng biển và khu vực hàng hải khác của Việt nam; Luật Xây dựng ………….

Ngoài các tiêu thức phân loại nêu trên, các doanh nghiệp bảo hiểm tuỳ theo yêu cầu và mục tiêu quản lý của mình còn có thể phân loại nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm theo các tiêu thức khác như: Thời hạn bảo hiểm (Bảo hiểm ngắn hạn, bảo hiểm dài hạn), thứ tự ưu tiên áp dụng các nguồn luật (Bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm phi hàng hải),…

 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *