Các nguyên tắc của Bảo hiểm

CÁC NGUYÊN TẮC CỦA BẢO HIỂM

Việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản, đó là:

– Trung thực tuyệt đối (Utmost Good Faith)

– Quyền lợi có thể được bảo hiểm (Insurable Interest)

– Bồi thường (Indemnity)

– Thế quyền (Subrogation)

– Đóng góp bồi thường (Contribution)

– Nguyên nhân gần (Proximate Cause)

1. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối

Đặc thù của sản phẩm bảo hiểm, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đòi hỏi các bên phải có độ trung thực, tín nhiệm cao trong quan hệ hợp đồng. Hợp đồng bảo hiểm chỉ có giá trị pháp lý khi việc xác lập được tiến hành trên cơ sở các thông tin trung thực của các bên. Trung thực và thiện chí trong việc thực hiện các nghĩa vụ và quyền thoả thuận trong hợp đồng là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm buộc phải chấm dứt vì những hành vi gian lận, ý đồ trục lợi từ phía các bên trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm được ký kết để bảo hiểm khi đối tượng bảo hiểm (tài sản, trách nhiệm dân sự hoặc tính mạng, sức khoẻ, tuổi thọ của người được bảo hiểm) gặp rủi ro – sự kiện bảo hiểm. Tuy nhiên, lý do giao kết hợp đồng bảo hiểm của các chủ thể không phải nhằm loại bỏ rủi ro mà là nhu cầu bảo đảm về mặt vật chất, tài chính của các lợi ích kinh tế liên quan. Điều kiện đặc thù trong giao kết và duy trì hợp đồng bảo hiểm là vấn đề đảm bảo quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng đối với đối tượng bảo hiểm. Về bản chất, quyền lợi có thể được bảo hiểm được tạo lập cho một tổ chức, cá nhân nếu tổ chức, cá nhân  đó có lợi ích kinh tế hợp pháp bị tổn hại khi đối tượng bảo hiểm chịu ảnh hưởng bất lợi của rủi ro.

Về cơ bản, quyền lợi có thể được bảo hiểm (lợi ích có thể được bảo hiểm) được hình thành từ các căn cứ như là: quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản; quyền về nhân thân, quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, cấp dưỡng; quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng. Chẳng hạn, người có quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản là những người có quyền ký kết hợp đồng bảo hiểm cho tài sản và trách nhiệm liên quan. Nếu đối tượng bảo hiểm là sinh mạng của một người, những người có các mối quan hệ như là nuôi dưỡng, cấp dưỡng, vay mượn, thuê mướn lao động,… sẽ có thể đứng ra mua bảo hiểm.

Quyền lợi có thể có thể được bảo hiểm được cụ thể hoá bằng các quy định trong pháp luật về kinh doanh bảo hiểm của các quốc gia. Ở Việt Nam, tại Luật Kinh doanh bảo hiểm giải thích: Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”. Việc quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm rất cần thiết cho việc ngăn ngừa rủi ro đạo đức và hành vi trục lợi bảo hiểm. Đó là những hiện tượng rất nguy hiểm cho xã hội, nhất là khi rủi ro liên quan đến sinh mạng con người.

3. Nguyên tắc bồi thường

Để có thể ngăn ngừa trục lợi, bồi thường của hợp đồng bảo hiểm không được tạo ra cơ hội kiếm lời hoặc có lợi bất hợp lý cho các bên liên quan đến sự kiện bảo hiểm. Vì thế, số bồi thường mà người được bảo hiểm có thể nhận được trong mọi trường hợp không lớn hơn thiệt hại của họ trong sự kiện bảo hiểm. Đó chính là nội dung của nguyên tắc cơ bản chi phối việc bồi thường.

Trong bảo hiểm tài sản, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào thiệt hại thực tế của bên được bảo hiểm để xác định số tiền bồi thường. Việc bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm có mục đích đền bù những thiệt hại của bên được bảo hiểm trong sự kiện bảo hiểm. Thông thường, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho bên được bảo hiểm những chi phí thực tế, hợp lý để sửa chữa, thay thế, tái tạo lại tài sản như tình trạng trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp phải thay mới bộ phận tài sản trong quá trình sửa chữa, nếu hợp đồng không có thỏa thuận gì khác, doanh nghiệp bảo hiểm được quyền khấu trừ phần giá trị khấu hao của bộ phận tài sản bị thay thế (nếu có). Các bên có thể thoả thuận về việc áp dụng phương pháp trả bằng tiền trên cơ sở đánh giá giá trị thiệt hại của đối tượng bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm sửa chữa, khôi phục lại đối tượng bảo hiểm hoặc thay thế đối tượng bảo hiểm. Việc lựa chọn phương pháp bồi thường phụ thuộc vào loại đối tượng bảo hiểm, dạng tổn thất phát sinh. Thực tế, có những trường hợp việc trả bằng tiền là phương pháp duy nhất không thể thay thế. Áp dụng những phương pháp thay thế hoặc trả bằng tiền, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại đã được bồi thường theo tổn thất toàn bộ, nhất là trong trường hợp tổn thất toàn bộ ước tính. Tuy nhiên, không phải vì thế mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến tài sản thiệt hại, nếu như doanh nghiệp bảo hiểm từ chối việc tiếp nhận quyền sở hữu tài sản đã được chấp thuận bồi thường theo tổn thất toàn bộ thì bên được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm.

Đối với các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, việc tính toán số tiền bồi thường thông thư­ờng phải theo trình tự sau:

– Xác định trách nhiệm bồi th­ường của ngư­ời đ­ược bảo hiểm cho bên thứ ba (căn cứ vào mức độ lỗi của ng­ười đ­ược bảo hiểm và thiệt hại thực tế của bên thứ ba)

– Xác định số tiền bồi thư­ờng của bảo hiểm bằng cách so sánh số tiền bồi thường mà ngư­ời đ­ược bảo hiểm phải trả cho bên thứ ba (S) và mức trách nhiệm của hợp đồng bảo hiểm (Z).

  + Nếu  S < Z;  số tiền bồi thư­ờng của bảo hiểm = S

  + Nếu  S = Z;  số tiền bồi th­ường của bảo hiểm = Z

  + Nếu  S > Z;  số tiền bồi th­ường của bảo hiểm = Z

  Số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm/ người thứ ba có thể nhận được tối đa chỉ bằng thiệt hại của họ trong sự kiện bảo hiểm. Việc tính toán thiệt hại của bên thứ ba và số tiền bồi thường của người được bảo hiểm cho người thứ ba phải căn cứ vào quy định pháp lý liên quan và người bảo hiểm chỉ bồi thường trên cơ sở người được bảo hiểm thừa nhận nghĩa vụ bồi thường của mình.

4. Nguyên tắc thế quyền

Thế quyền được sử dụng khi xác định được có người thứ ba phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của đối tượng trong sự kiện bảo hiểm. Nguyên tắc này được vận dụng trong bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Thiệt hại của người được bảo hiểm sẽ liên quan đồng thời tới trách nhiệm bồi thường của hợp đồng bảo hiểm và nghĩa vụ bồi thường theo luật dân sự của người thứ ba. Vì thế, để đảm bảo nguyên tắc bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm được phép thế quyền người được bảo hiểm đòi người thứ ba phần thiệt hại thuộc trách nhiệm của người thứ ba và trong giới hạn số bồi thường mà người bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm.

Thế quyền được đảm bảo bởi luật pháp và pháp luật cũng quy định kèm theo những trường hợp không được vận dụng thế quyền. Chẳng hạn, doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm trừ trường hợp người này cố ý gây ra tổn thất.

Để doanh nghiệp bảo hiểm có thể thực hiện được việc đòi người thứ ba, bên mua bảo hiểm phải kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm mọi tin tức, tài liệu, bằng chứng cần thiết hoặc phải kịp thời thực hiện những công việc mà người bảo hiểm yêu cầu. Trong thực tế, việc đòi người thứ ba có kết quả và có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc bên mua bảo hiểm thực hiện tốt hay không nghĩa vụ này. Vì thế, người bảo hiểm có thể áp dụng biện pháp giảm trừ số tiền bồi thường nếu bên mua bảo hiểm vi phạm các quy định liên quan.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép vận dụng thế quyền sau khi đã giải quyết bồi thường cho người được bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn có thể có trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đòi người thứ ba trước khi bồi thường cho người được bảo hiểm. Điều này xuất phát từ một thực tế là vẫn phát sinh những tình huống phải trì hoãn việc thanh toán bồi thường vì những lý do chính đáng và việc chậm trễ trong thực hiện quyền đòi người thứ ba sẽ có hại cho lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm.

5. Nguyên tắc đóng góp bồi thường

Trong bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự, trường hợp đối tượng bảo hiểm được bảo hiểm đồng thời bởi nhiều hợp đồng bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm có một hay nhiều sự kiện được bảo hiểm giống nhau, nếu tổng trách nhiệm bồi thường độc lập từ các hợp đồng bảo hiểm lớn hơn thiệt hại của bên được bảo hiểm, được gọi là bảo hiểm trùng. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm trong trường hợp có bảo hiểm trùng sẽ kéo theo trách nhiệm bồi thường của nhiều hợp đồng bảo hiểm, tức là các doanh nghiệp bảo hiểm phải cùng nhau đóng góp bồi thường (chia sẻ trách nhiệm).

Hiện tượng nói trên đòi hỏi một cách thức giải quyết bồi thường hợp pháp và hợp lý. Nhìn chung các hợp đồng bảo hiểm sẽ thực hiện chia sẻ trách nhiệm bồi thường sao cho tổng số tiền mà người được bảo hiểm nhận được từ các hợp đồng bảo hiểm không lớn hơn thiệt hại thực tế của họ trong sự kiện bảo hiểm.

Có nhiều phương pháp chia sẻ trách nhiệm bồi thường. Phương pháp đó có thể được quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm bằng điều khoản “đóng góp bồi thường”.

Phương pháp được coi là bao quát bao quát được mọi tình huống có thể xảy ra trong thực tế, cách tính số tiền bồi thường của từng hợp đồng bảo hiểm sẽ được thực hiện như sau:

– Xác định trách nhiệm bồi thường độc lập của từng hợp đồng bảo hiểm. Đó là số tiền bồi thường mà từng hợp đồng đã phải chi trả nếu như không tồn tại các hợp đồng bảo hiểm khác.

– Xác định tổng trách nhiệm bồi thường độc lập của các hợp đồng bảo hiểm (S)

– So sánh tổng trách nhiệm bồi thường độc lập (S) và giá trị thiệt hại của đối tượng bảo hiểm (F). Sẽ phát sinh các trường hợp với các cách tính toán số tiền bồi thường sau:

+ Trường hợp S ≤ F: Số tiền bồi thường của từng hợp đồng bảo hiểm bằng trách nhiệm bồi thường độc lập của hợp đồng đó.

+ Trường hợp S > F: Thực hiện việc chia sẻ trách nhiệm bồi thường. Có thể áp dụng công thức :

Trong bảo hiểm tài sản, cách tính số tiền đóng góp có thể được thực hiện theo công thức đơn giản hơn, áp dụng tỷ lệ theo các số tiền bảo hiểm:

 

Số tiền bồi thường

của từng hợp đồng

bảo hiểm

Số tiền bảo hiểm

của hợp đồng đó

Giá trị thiệt hại

của  đối tượng bảo hiểm

= x
       Tổng số tiền bảo hiểm

các hợp đồng bảo hiểm

Hai cách tính trên sẽ đưa đến kết quả như nhau về số tiền bồi thường của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm.

6. Nguyên tắc “Nguyên nhân gần”

Người bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm đối với những tổn thất khi “nguyên nhân gần” của tổn thất là rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm.

Nguyên nhân gần được định nghĩa là nguyên nhân đủ mạnh để khởi động cả một chuỗi sự kiện dẫn đến một kết quả nhất định mà không có sự can thiệp, tác động của bất kỳ một lực nào từ một nguồn độc lập mới nào khác.

Nguyên nhân gần của một sự cố thông thường là nguyên nhân chủ yếu, quyết định và có mối liên hệ trực tiếp với kết quả – tổn thất. Nguyên nhân gần cũng không nhất thiết phải là nguyên nhân đầu tiên hay nguyên nhân sau cùng của chuỗi sự kiện. Ví dụ: một người tham gia một hợp đồng bảo hiểm tai nạn cá nhân. Trong thời hạn bảo hiểm, anh ta bị ngã khi leo thang và dẫn đến gãy chân. Người đó được đưa tới bệnh viện, tại đó anh ta bị nhiễm bệnh bạch hầu từ bệnh nhân khác và bị chết. Trong trường hợp này, bệnh bạch hầu không phải là hệ quả tự nhiên của gãy chân và tai nạn không phải là nguyên nhân gần của sự cố chết và hợp đồng bảo hiểm tai nạn sẽ không chịu trách nhiệm.

Nguyên tắc nguyên nhân gần rất cần thiết vì thực tế có không ít trường hợp tổn thất của đối tượng bảo hiểm xuất hiện và chỉ có thể được xác định sau một chuỗi các sự kiện từ nhiều nguyên nhân và có thể một, một số trong số đó lại không thuộc phạm vi bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng không ít các trường hợp vấn đề xác định nguyên nhân gần này gây nhiều tranh cãi và muốn hay không việc xác định trách nhiệm của bảo hiểm cũng phải dựa trên kết luận của các tổ chức, cơ quan chuyên môn.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *