Thuật ngữ cơ bản trong Bảo hiểm

Những thuật ngữ chuyên ngành luôn là một trở ngại lớn đối với những người muốn tìm hiểu về lĩnh vực bảo hiểm. Vì hợp đồng bảo hiểm mang tính mở sẵn (hợp đồng chỉ do một bên tham gia ký kết là doanh nghiệp bảo hiểm soạn sẵn) nên người tham gia bảo hiểm thường gặp khó khăn để hiểu đầy đủ về các thuật ngữ này.

Do vậy, để có thể hiểu được những nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm , trước hết cần nắm vững những thuật ngữ cơ bản như: Doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng, quyền lợi có thể dược bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm, sự kiện bảo hiểm…

1. Hợp đồng bảo hiểm

Lịch sử của bảo hiểm đánh dấu sự khởi đầu bằng việc xuất hiện các đơn bảo hiểm (policy) – những văn bản hợp đồng bảo hiểm đầu tiên trong buổi sơ khai. Cùng với sự phát triển của hoạt động bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm ngày càng đa dạng, phức tạp và bị ràng buộc bởi khuôn khổ pháp lý của các quốc gia.

Tại Việt Nam, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm thì: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.

Về hình thức, luật pháp các quốc gia đòi hỏi mọi hợp đồng bảo hiểm phải thể hiện dưới dạng văn bản. Ngay cả khi các giao dịch được thực hiện bằng “thương mại điện tử”, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn buộc phải soạn thảo, theo dõi và lưu trữ một khối lượng lớn các tài liệu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm được cấu thành từ nhiều bộ phận, tuỳ thuộc vào từng nghiệp vụ bảo hiểm (thậm chí là từng sản phẩm bảo hiểm). Các tài liệu của hợp đồng bảo hiểm có nhiều loại như: giấy yêu cầu bảo hiểm, quy tắc bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bổ sung, phụ lục hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm,…

Các bên trong hợp đồng bảo hiểm gồm: Bên bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm) và bên được bảo hiểm. Về phương diện pháp lý, bên được bảo hiểm bao gồm ba người với ba tư cách khác nhau, đó là: người tham gia bảo hiểm (bên mua bảo hiểm), người được bảo hiểm và người thụ hưởng (người được hưởng quyền lợi bảo hiểm).

  1. Doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm (thường được gọi là người bảo hiểm) là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận yêu cầu bảo hiểm bằng việc giao kết hợp đồng bảo hiểm, cấp cho bên mua bảo hiểm hợp đồng bảo hiểm hoặc bằng chứng về hợp đồng bảo hiểm và vì thế có những nghĩa vụ và quyền theo quy định của pháp luật và thoả thuận của hợp đồng bảo hiểm.

  1. Bên mua bảo hiểm

Bên mua bảo hiểm (còn gọi là người tham gia bảo hiểm) là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.

Để có thể giao kết hợp đồng bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm phải đảm bảo quy định về năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự. Bên cạnh điều kiện cơ bản đó, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm của các quốc gia đều chú ý đến điều kiện thứ hai rất đặc thù của hợp đồng bảo hiểm: người tham gia bảo hiểm phải đảm bảo quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm. Giữa đối tượng bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm phải có quan hệ nhất định theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

 

  1. Người được bảo hiểm

Người được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính mạng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Thông thường người được bảo hiểm cũng là người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, có những trường hợp người tham gia bảo hiểm khác người được bảo hiểm. Chẳng hạn, việc bảo hiểm thân thể cho trẻ em buộc phải có người khác đứng ra tham gia bảo hiểm. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng.

  1. Người thụ hưởng

Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người. Thông thường quyền lợi bảo hiểm thuộc về người được bảo hiểm, tuy nhiên trong một số trường hợp người được hưởng quyền lợi bảo hiểm lại là người khác. Phức tạp nhất là khi có sự khác nhau giữa người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm và người được hưởng quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người, đặc biệt là bảo hiểm cho sự cố chết của người được bảo hiểm.

  1. Sự kiện bảo hiểm

Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

  1. Phí bảo hiểm

Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn và phương thức do các bên thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Phí bảo hiểm có thể được xác định bằng một khoản tiền nhất định/1 đơn vị đối tượng được bảo hiểm, nhưng thường được tính bằng tỷ lệ phí bảo hiểm nhân (x) với số tiền bảo hiểm. Trong bảo hiểm bắt buộc, phí bảo hiểm có thể được quy định bằng một số tiền nhất định tùy theo từng đối tượng tham gia.

  1. Đối tư­ợng bảo hiểm

Đối tượng bảo hiểm là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của rủi ro và vì thế, khiến quyền lợi được bảo vệ bởi hợp đồng bảo hiểm bị tổn hại.

Mỗi hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm riêng và được xác định cụ thể bởi điều khoản đối tượng bảo hiểm. Tuy nhiên có thể chia các đối tượng bảo hiểm thành 3 loại:

– Tài sản và những lợi ích liên quan;

– Con ngư­ời (tính mạng, sức khoẻ, tuổi thọ,… của con ngư­ời);

– Trách nhiệm dân sự;

  1. Phạm vi bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm

Phạm vi bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm là những loại điều khoản cơ bản của hợp đồng bảo hiểm. Trong một hợp đồng bảo hiểm cụ thể, nội dung này nhất thiết phải được đề cập, nhất là điều khoản loại trừ.

Phạm vi bảo hiểm là phạm vi giới hạn những rủi ro, loại tổn thất và chi phí phát sinh mà theo thỏa thuận (đã dự tính) người bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm nếu nó xảy ra.

Loại trừ bảo hiểm bao gồm các tr­ường hợp (rủi ro, tổn thất, chi phí) doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm nếu nó xảy ra. Loại trừ bảo hiểm có thể là loại trừ tuyệt đối (không bao giờ được chấp nhận bảo hiểm) hoặc loại trừ tương đối (có thể được bảo hiểm với những điều kiện nhất định).

Thực tế có rất nhiều loại rủi ro, tổn thất, chi phí có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của đối tượng bảo hiểm, nhưng những yêu cầu về kỹ thuật và pháp lý chỉ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nhận bảo hiểm được một số trường hợp. Hai điều khoản này xác định những trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm (phạm vi bảo hiểm) hoặc không chịu trách nhiệm (loại trừ) khi rủi ro (hay sự kiện bảo hiểm) xảy ra cho đối tượng bảo hiểm. Vì vậy, việc chỉ rõ phạm vi bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm nhằm phân định trách nhiệm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, tránh xảy ra tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

  1. Số tiền bảo hiểm

Số tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà người bảo hiểm có thể phải trả trong một sự kiện bảo hiểm hoặc trong cả thời hạn bảo hiểm. Tùy vào từng loại nghiệp vụ bảo hiểm, từng hợp đồng bảo hiểm cụ thể mà số tiền bảo hiểm được thể hiện thông qua các cách gọi khác nhau như mức trách nhiệm, hạn mức trách nhiệm, hạn mức bồi thường,… Số tiền bảo hiểm được chỉ rõ bằng một khoản tiền cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm, đơn bảo hiểm,  giấy chứng nhận bảo hiểm; nói chung, đó chính là trách nhiệm tối đa của người bảo hiểm trong bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

Tuy số tiền bảo hiểm đều có thể tính cho mỗi sự cố hoặc cho cả thời hạn bảo hiểm, song cách thức xác định giới hạn trách nhiệm bảo hiểm phụ thuộc trước hết vào loại  đối tượng bảo hiểm. Những hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là tài sản, việc thoả thuận về số tiền bảo hiểm phải căn cứ vào nhiều yếu tố mà trước hết là giá trị của đối tượng bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm không được lớn hơn giá trị bảo hiểm. Khái niệm giá trị bảo hiểm thường được sử dụng trong các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, đó là giá trị bằng tiền của tài sản. Giá trị bảo hiểm thường được xác định bằng giá trị thực tế của tài sản vào thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm hoặc được xác định theo thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và bên bảo hiểm. Trong bảo hiểm tài sản, giá trị bảo hiểm là cơ sở để xác định số tiền bảo hiểm.

Trường hợp đối tượng bảo hiểm là các loại trách nhiệm dân sự, số tiền bảo hiểm được xác định bằng các mức trách nhiệm. Mức trách nhiệm thường được phân biệt đối với thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản của người thứ ba (nạn nhân trong sự kiện bảo hiểm).

Trong bảo hiểm con người, số tiền bảo hiểm được biểu thị bằng một khoản tiền giới hạn trách nhiệm cho mỗi sự cố hoặc cho cả thời hạn bảo hiểm, hoặc khoản tiền trả trợ cấp định kỳ (bảo hiểm niên kim nhân thọ). Doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra các mức số tiền bảo hiểm thích hợp và bên mua bảo hiểm sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu an toàn, khả năng trả phí của mình để lựa chọn.

  1. Mức miễn thường

Khái nhiệm mức miến thường chỉ được sử dụng trong bảo hiểm phi nhân thọ. Mức miễn thường là phần tổn thất và/ hoặc chi phí do rủi ro được bảo hiểm gây ra nhưng người được bảo hiểm phải tự gánh chịu. Cách thức biểu thị mức miễn thường khá đa dạng, có thể bằng một số tiền nhất định /1 sự cố hoặc thông qua tỷ lệ (%) nhất định của giá trị tổn thất, kèm theo mức tối thiểu là một số tiền nhất định /1 sự cố,… Trong bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, mức miễn thường có thể quy định bằng một số ngày nhất định. Người bảo hiểm sẽ không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm nếu giá trị tổn thất nhỏ hơn hoặc bằng mức miễn thường.

Nếu giá trị tổn thất lớn hơn mức miễn thường sẽ phát sinh trách nhiệm của người bảo hiểm. Tuy nhiên số tiền bồi thường của người bảo hiểm nhiều hay ít còn tùy thuộc vào loại miễn thường mà nghiệp vụ hay hợp đồng bảo hiểm đó áp dụng. Trường hợp miễn thường có khấu trừ (mức miễn thường được gọi là mức khấu trừ), số tiền bồi thường của bảo hiểm sẽ bằng giá trị tổn thất của đối tượng bảo hiểm trong sự cố bảo hiểm trừ đi mức khấu trừ. Trường hợp miễn thường không khấu trừ, số tiền bồi thường của bảo hiểm sẽ bằng giá trị tổn thất của đối tượng bảo hiểm trong sự cố bảo hiểm, đương nhiên giá trị tổn thất đó phải lớn hơn mức miễn thường.

Tùy vào từng nghiệp vụ hoặc hợp đồng bảo hiểm mức miễn thường có thể được đưa ra như một quy định bắt buộc hoặc để bên mua bảo hiểm tuỳ ý lựa chọn. Điều này xuất phát từ những mục đích khác nhau của việc đưa mức miễn thường vào hợp đồng bảo hiểm. Mức miễn thường có thể nhằm loại trừ những tổn thất ở dạng hao hụt tự nhiên, thương mại thông thường khỏi trách nhiệm bảo hiểm hoặc mang dụng ý tránh việc bỏ ra các chi phí về giám định, thu thập hồ sơ, thủ tục thanh toán,… một cách không có hiệu quả kinh tế đối với những tổn thất nhỏ mà người được bảo hiểm có thể tự gánh chịu. Đặc biệt, sự linh hoạt của mức miễn thường sẽ đáp ứng được nhu cầu tự gánh chịu một phần tổn thất để giảm phí bảo hiểm của khách hàng bảo hiểm. Hơn nữa, mức miễn thường cũng còn là một biện pháp góp phần ngăn ngừa rủi ro đạo đức, giảm thiểu nguy cơ tinh thần trong kinh doanh bảo hiểm.

 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *