Bảo hiểm hỗn hợp là gì

Bảo hiểm hỗn hợp (bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp) là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ. Theo loại hợp đồng bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm cùng một lúc đảm bảo cho hai sự kiện trái ngược nhau, đó là sự kiện tử vong và sự kiện còn sống của người được bảo hiểm. Nếu người được bảo hiểm còn sống đến một thời điểm quy định thì người đó sẽ nhận được số tiền bảo hiểm trong hợp đồng hoặc các khoản trợ cấp định kỳ. Trường hợp ngược lại, nếu người được bảo hiểm bị chết trước thời điểm đó thì người thụ hưởng bảo hiểm sẽ nhận được quyền lợi bảo hiểm.

Trong hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp, phí bảo hiểm thường đóng định kỳ và không thay đổi trong suốt thời hạn bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm này tương đối dài: 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa.

Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp có mức phí cao hơn so với các dạng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác. Sở dĩ như vậy là vì, nếu không tính đến các trường hợp hủy bỏ hợp đồng trước hạn thì việc trả tiền của doanh nghiệp bảo hiểm cho người thụ hưởng là một điều chắc chắn trong tất cả các hợp đồng bảo hiểm.

Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp là dạng hợp đồng có giá trị hoàn lại (hay còn gọi là giá trị giải ước), vì thế nó cũng là một bảo chứng cho những khoản tiền vay và trong chừng mực nhất định, người được bảo hiểm có thể thế chấp hợp đồng bảo hiểm này cho ngân hàng để vay tiền.

Do đặc thù của bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp là bảo hiểm cho cả hai sự kiện trái ngược nhau là “tử vong” và “còn sống” của người được bảo hiểm, vì thế cả hai yếu tố rủi ro và tiết kiệm được đan xen nhau trong cùng một hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, người tham gia bảo hiểm sẽ giải quyết được đồng thời hai nhu cầu cơ bản trong cuộc sống bởi cùng một hợp đồng bảo hiểm: Vừa cho phép người được bảo hiểm tiết kiệm những khoản phí nhỏ nộp mỗi lần để thu được một món tiền lớn trong tương lai, vừa cho phép góp phần ổn định cuộc sống cho những người thụ hưởng bảo hiểm khi người được bảo hiểm bị chết.

Thực tiễn thị trường bảo hiểm nhân thọ ở các nước cũng như Việt Nam cho thấy: Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp là dạng hợp đồng bảo hiểm được “ưa thích nhất” trong số các dạng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và doanh số thu được từ hợp đồng này chiếm tỷ trọng rất lớn trong các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Khi triển khai bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể đa dạng hoá loại sản phẩm này bằng nhiều dạng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác nhau. Dưới đây là một số dạng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp:

Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp không chia lãi

Đây là một trong những dạng cơ bản nhất của bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp. Loại bảo hiểm này có số tiền bảo hiểm cố định và được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm này được trả vào ngày hết hạn của hợp đồng hoặc vào thời điểm người được bảo hiểm chết, trong trường hợp sự kiện chết này xảy ra trước thời điểm đáo hạn hợp đồng.

Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp có chia lãi

Loại hợp đồng bảo hiểm này bện cạnh việc trả một số tiền bảo hiểm cố định được quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm thì còn tạo điều kiện cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng bảo hiểm cùng hưởng lợi nhuận với doanh nghiệp bảo hiểm.

Hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ tiến hành xác định được phần lợi nhuận thu về từ việc đầu tư nguồn vốn nhàn rỗi từ các quỹ dự phòng nghiệp vụ được trích lập từ phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Phần lợi nhuận này được gọi là lãi đầu tư. Bên cạnh lãi đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn có thể thu được khoản lợi nhuận do có sự sai lệch giữa xác suất xảy ra sự kiện bảo hiểm thực tế so với giả định tính phí (lãi kỹ thuật) và khoản lợi nhuận do tiết kiệm chi phí. Căn cứ vào các khoản tiền lãi này và căn cứ vào số tiền phí bảo hiểm đã nộp trong mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phân bổ tiền lãi cho phù hợp với từng hợp đồng, khoản tiền lãi sẽ được cộng vào số tiền bảo hiểm trong hợp đồng. Khoản lợi nhuận bổ sung này (hay còn gọi là bảo tức) có thể được doanh nghiệp bảo hiểm công bố hàng năm hoặc theo định kỳ do doanh nghiệp quyết định, nhưng thông thường chỉ được trả vào ngày đáo hạn hợp đồng hoặc trong trường hợp người được bảo hiểm chết. Tuy nhiên, nếu hợp đồng này bị giải ước (chấm dứt khi hiệu lực từ đủ 2 năm trở lên) thì khoản tiền này sẽ không được thanh toán.

 

Bình luận
  1. one Comment

    Nguyễn Lê An Bình

    rất hay

    Trả lời

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *