Bảo hiểm trách nhiệm

Tiến trình phát triển của loại bảo hiểm trách nhiệm gắn với sự phát triển kinh tế cũng như sự hoàn thiện các Bộ luật dân sự của các quốc gia. Khi tham gia loại bảo hiểm này, người tham gia bảo hiểm có mục đích chuyển giao rủi ro thuộc về trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm cho người bảo hiểm.

Hiện nay các hãng bảo hiểm trên thế giới đã triển khai nhiều nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu bảo hiểm của xã hội. Các sản phẩm bảo hiểm loại này ngày càng đa dạng và phát huy được tác dụng của mình trong nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hoạt động của con người.  Dưới đây là một số sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự cơ bản:

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, thuyền khác;

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không; bảo hiểm trách nhiệm dân sự  của người khai thác máy bay;

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

– Bảo hiểm trách nhiệm của chủ sử dụng lao động;

– Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm;

– Bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba trong xây dựng, lắp đặt;

– Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động tư vấn đầu tư, xây dựng;

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ vật nuôi;

– Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số nghề nghiệp đặc biệt như: môi giới bảo hiểm; môi giới chứng khoán; tư vấn pháp luật; tư vấn tài chính, kiểm toán; nghề y,…

1. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Ở nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam), nghiệp vụ bảo hiểm này được triển khai dưới thức bắt buộc. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới (kể cả chủ xe là người nước ngoài) sử dụng xe cơ giới trên lãnh thổ nước Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ra đời xuất phát từ lợi ích chung của cộng đồng cũng như lợi ích riêng của từng người dân. Cụ thể, khi có tai nạn xảy ra, chủ phương tiện có thể lâm vào tình trạng  không có (hoặc không đủ) khả năng tài chính để khắc phục sẽ để lại hậu quả lâu dài cho bản thân và người không may gặp tai nạn. Nhưng khi mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra giải quyết hậu quả bằng việc bồi thường tai nạn, giúp đỡ chủ phương tiện và người bị nạn giảm tổn thất về tài chính trên cơ sở sử dụng tiền phí bảo hiểm của nhiều người, giúp đỡ những người không may gặp rủi ro. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sử dụng chính số tiền mua bảo hiểm bắt buộc của người dân để thực hiện công tác đề phòng và hạn chế tai nạn giao thông như xây dựng hành lang an toàn giao thông, hỗ trợ xây dựng biển báo… góp phần làm giảm tai nạn giao thông. Như vậy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội và cũng chính xuất phát từ lý do này mà hầu hết các nước trên thế giới đều coi bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba là một trong những loại hình bảo hiểm bắt buộc cơ bản.

Theo quy tắc bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bên thứ ba là những người bị thiệt hại về thân thể và/hoặc tài sản do việc sử dụng xe cơ giới gây ra, trừ những người sau:

– Lái xe, phụ xe trên chính chiếc xe đó;

– Người trên xe và hành khách trên chính chiếc xe đó;

– Chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.

Phạm vi bồi thường thiệt hại bao gồm:

– Thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.

– Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.

Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

– Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe và/hoặc lái xe, hoặc của người bị thiệt hại;

– Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe và/hoặc lái xe cơ giới;

– Lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe;

– Thiệt hại có tính chất gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại;

– Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn;

– Chiến tranh và các nguyên nhân tương tự như chiến tranh;

– Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: Vàng bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

Ngoài việc tham gia nghiệp vụ này ở mức trách nhiệm bắt buộc (mức tối thiểu bắt buộc phải tham gia), tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình, các chủ xe có thể mua thêm bảo hiểm này dưới hình thức tự nguyện.

2. Bảo hiểm trách nhiệm của người sử dụng lao động

Trách nhiệm của người sử dụng lao động được điều chỉnh bởi Bộ Luật Lao động và hợp đồng lao động.

Bộ Luật Lao động của các quốc gia là văn bản pháp luật có trình độ pháp điển hóa cao nhất bao quát mọi lĩnh vực của quan hệ lao động mà trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những lĩnh vực khá quan trọng. Trong lĩnh vực này, trách nhiệm của người sử dụng lao động thường bao gồm: Trang trải toàn bộ chi phí y tế liên quan đến việc cấp cứu, điều trị; bồi thường một khoản tiền tối thiểu tính theo lương trong trường hợp người lao động bị chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động do hậu quả của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định của chế độ Bảo hiểm xã hội về trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu họ chưa tham gia Bảo hiểm xã hội cho người lao động và bố trí, sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động.

Trên thực tế, những tổn thất mà người lao động và gia đình họ phải gánh chịu khi người lao động bị tai nạn do lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp thường lớn hơn nhiều khoản trợ cấp nhận được từ Nhà nước. Trong trường hợp này, người lao động sẽ bị thiệt thòi nếu không có sự đền bù thích đáng từ doanh nghiệp. Mặt khác, đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội nói chung bó hẹp trong một phạm vi nhất định tuỷ theo từng nước. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, bảo hiểm trách nhiệm của chủ sử dụng lao động với người lao động đã được triển khai ở nhiều nước.

Như vậy, có thể thấy một hệ thống kép để bảo đảm bồi thường cho người lao động: chế độ trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp do Nhà nước thực hiện theo chế độ bảo hiểm xã hội và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm của chủ doanh nghiệp do các công ty bảo hiểm thương mại thực hiện.

Theo hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật hoặc quy định của hợp đồng lao động.

Thông thường bảo hiểm này chỉ bảo hiểm cho trách nhiệm về chi phí y tế và tiền bồi thường cho trường hợp người lao động bị chết hoặc suy giảm sức khỏe do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra.

3. Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhiều quốc gia đã xây dựng và hoàn chỉnh luật về trách nhiệm sản phẩm. Theo quy định của luật này mọi nhà sản xuất và cung ứng phải có nghĩa vụ cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng tốt, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng quy định của cơ quan chức năng. Trường hợp khách hàng mua phải các sản phẩm xấu, có khuyết tật thì người bán phải có nghĩa vụ đổi hoặc sửa chữa những khuyết tật đó. Nếu vì những sản phẩm kém chất lượng, có sai sót trong sản xuất và lắp đặt mà người tiêu dùng bị thiệt hại thì người sản xuất, người cung ứng sản phẩm phải bồi thường. Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thành lập và được bảo hộ ở nhiều nước. Các tổ chức này đứng về phía người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi của họ. Ở Việt nam, tuy chưa có bộ luật hoàn chỉnh về trách nhiệm sản phẩm nhưng quy định pháp luật tương đương có thể được tìm thấy tại Điều 630 Bộ Luật dân sự (2005): “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Như vậy, mỗi nhà sản xuất, kinh doanh một loại hàng hoá nào đó đều có thể phải đối đầu với những khiếu nại về trách nhiệm sản phẩm. Các khiếu nại này có thể giải quyết theo cách thương lượng, hòa giải hoặc được tòa án giải quyết thông qua việc xem xét, xác định lỗi của người sản xuất, cung ứng và thiệt hại của người tiêu dùng. Người sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình cung cấp ngay cả khi sản phẩm đó được cho, tặng trong chiến dịch khuyến mại của họ. Trách nhiệm của nhà sản xuất, cung ứng được xác định căn cứ vào lỗi, sai sót của họ trong thiết kế, trong chế tạo hoặc trong chú ý hay chỉ dẫn sử dụng và những khiếm khuyết này là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong thực tế những khiếu nại này chủ yếu thuộc về các sản phẩm như thực phẩm, đồ hộp, các loại thuốc chữa bệnh, các sản phẩm về điện và một số các sản phẩm khác như thang công nghiệp, mũ xe máy, lốp ô tô … Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm cung cấp cho các nhà sản xuất, kinh doanh những đảm bảo để chống lại những rủi ro thuộc về trách nhiệm của họ.

Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm thông thường sẽ nhận đảm bảo trong các trường hợp sau:

– Chết, ốm đau hay thương tật thân thể do sản phẩm khuyết tật gây ra cho bên thứ ba

– Thiệt hại vật chất tài sản do sản phẩm khuyết tật gây ra cho bên thứ ba

– Tổn thất tài chính khác do sản phẩm có khuyết tật gây ra cho bên thứ ba

Ngoài ra có một số chi phí, thiệt hại khác thuộc trách nhiệm của người được bảo hiểm sẽ được hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm nhận bảo đảm hoặc có thể được bảo đảm bằng đơn bảo hiểm riêng biệt tuỳ thuộc phạm vi đơn bảo hiểm. Đó là các trường hợp:

– Nghĩa vụ pháp lý phải thay thế hoặc sửa chữa sản phẩm khiếm khuyết, không thực hiện đúng chức năng và quy định

– Thiệt hại gây cho bên thứ ba do sản phẩm không thực hiện đúng chức năng đã quy định

– Tổn thất tài chính thuần túy do sản phẩm không thực hiện đúng chức năng đã định. Ví dụ như hệ thống âm thanh không hoạt động làm cho buổi hòa nhạc bị hủy.

– Chi phí lien quan đến thu hồi sản phẩm có khuyết tật.

4. Bảo hiểm trách nhiệm công cộng

Nghiệp vụ này bảo hiểm trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản và tính mạng, sức khỏe của bên thứ ba khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trên địa phận và từ hoạt động được bảo hiểm của người được bảo hiểm.

Bảo hiểm trách nhiệm công cộng hình thành dựa trên lập luận là hoạt động đặc thù của mỗi một cá nhân, tổ chức được tiến hành trên trên một địa bàn cụ thể và họ có trách nhiệm đối với những người đi vào địa phận của mình. Chẳng hạn, chủ cửa hàng phải bồi thường cho thương tích của khách hàng khi bị hàng hóa trên giá rơi trúng người; cơ sở đào tạo phải bồi thường khi quạt trần rơi trúng đầu thí sinh dự thi, chủ khách sạn phải bồi thường thiệt hại trong sự cố thang máy, người trông coi bãi đỗ xe có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đèn xe vỡ,… Các trách nhiệm đó được gọi là trách nhiệm công cộng.

Bảo hiểm trách nhiệm công cộng thường bồi thường các khoản sau:

– Các khoản tiền mà người được bảo hiểm có trách nhiệm pháp lý phải bồi thường đối với:

+ Những thiệt hại bất ngờ về người (thương tật hoặc ốm đau);

+ Những tổn thất hay thiệt hại bất ngờ về tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh trong thời hạn bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn quy định trong giấy chứng nhận bảo hiểm.

– Các khoản phí tổn và chi phí kiện tụng.

5. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp

            Trong xã hội, một số nghề nghiệp có tính chuyên môn cao như bác sỹ, kế toán, luật sự, môi giới… Những người hoạt động trong các nghề này có thể bất cẩn, có lỗi và tư vấn chuyên môn không chính xác dẫn đến các thiệt hại tài chính cho đối tượng phục vụ hoặc bên thứ ba khác. Pháp luật dân sự các nước thường quy định trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại đối với những người hoạt động chuyên môn trong những trường hợp như trên. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp ra đời đáp ứng nhu cầu của những người làm việc trong các ngành nghề dễ phát sinh trách nhiệm gắn liền với chuyên môn của họ. Trên thực tế có một số loại hình sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phổ biến cụ thể như sau:

– Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư và xây dựng

Đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm (tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng) phát sinh từ những lỗi, thiếu sót, bất cẩn của người được bảo hiểm hoặc nhân viên của người được bảo hiểm trong khi thực hiện những công việc chuyên môn của mình.

Bảo hiểm này bồi thường cho người được bảo hiểm những thiệt hại mà doanh nghiệp tư vấn đầu tư, xây dựng có trách nhiệm phải bồi thường cho chủ đầu tư phát sinh từ những sai sót hay bất cẩn có thể mắc phải trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn. Ngoài ra, các thiệt hại về người hoặc về tài sản của các bên thứ ba mà người được bảo hiểm có trách nhiệm pháp lý phải bồi thường phát sinh từ những sai sót hay bất cẩn cũng có thể được kết hợp bảo hiểm ở nghiệp vụ này nếu người được bảo hiểm yêu cầu.

-Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư

Bảo hiểm này bồi thường cho người được bảo hiểm những thiệt hại tài chính mà họ có trách nhiệm phải bồi thường cho khách hàng, thân chủ của mình phát sinh từ những sai sót hay bất cẩn mà các cộng sự, luật sư và nhân viên làm công cho người được bảo hiểm gây ra trong quá trình thực hiện công việc, dịch vụ tư vấn pháp lý, tranh tụng,…

Ngoài ra, đơn bảo hiểm cũng bồi thường cho các chi phí và phí tổn pháp lý phát sinh trong quá trình bào chữa khiếu nại của người được bảo hiểm với sự chấp thuận trước bằng văn bản của bảo hiểm.

-Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bác sỹ, y tá

Nghiệp vụ này bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của các bác sỹ, y tá, nhân viên làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm, cơ sở y tế – phải bồi thường cho những thương tật về thân thể, thương tổn tinh thần và/hoặc tử vong của bệnh nhân gây ra do nhầm lẫn, thiếu sót, sơ suất trong quá trình thực hiện dịch vụ nghề nghiệp của mình. Ðơn này cũng bồi thường cho những nhầm lẫn, thiếu sót, sơ suất phát sinh tại các cơ sở điều trị ngoại trú của bệnh viện, hoặc trên xe cứu thương của bệnh viện.

Ngoài ra, theo đơn bảo hiểm này, các chi phí pháp lý phát sinh trong quá trình bào chữa như chi phí thuê luật sư sẽ được xem xét bồi thường.

-Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công ty chứng khoán

Hoạt động của một công ty chứng khoán có thể gặp phải các lỗi, sơ xuất như: Nhầm lẫn khi đặt lệnh mua bán cho khách hàng hoặc sơ xuất quên thực hiện yêu cầu của khách hàng; rò rỉ thông tin của khách hàng, hay đánh mất tài liệu/ chứng từ/ dữ liệu cá nhân của khách hàng; đầu tư không đúng theo yêu cầu của khách hàng, sử dụng tài khoản của khách hàng để trục lợi, tư vấn sai lệch, không trung thực; vi phạm trách nhiệm ủy thác,…

Những sơ xuất trên sẽ dẫn đến thiệt hại tài chính cho khách hàng/ nhà đầu tư và công ty chứng khoán phải đối mặt là khả năng bị kiện/ đòi bồi thường của nhà đầu tư cùng những rắc rối về pháp lý và kiện tụng kéo dài và tốn kém.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công ty chứng khoán là nghiệp vụ mà khi nhân viên của công ty chứng khoán thực thi không đúng nghiệp vụ của mình và công ty của họ phải chịu trách nhiệm bồi thường – bảo hiểm sẽ thay mặt công ty chứng khoán để bồi thường cho nhà đầu tư. Ngoài ra, bảo hiểm cũng sẽ bồi thường cho những chi phí pháp lý, kiện tụng liên quan mà công ty chứng khoán phải bỏ ra.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *